(Tinmoi.vn) Việc hy vọng Việt Nam và Mỹ trở thành đồng minh của nhau vẫn còn là điều rất xa vời.
Việc Trung Quốc di dời giàn khoan Hải Dương 981 trong thời gian gần đây không cho thấy sự thay đổi trong chiến lược bành trướng tại Biển Đông của Bắc Kinh.
Ngày 15/7, Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc thông báo việc giàn khoan đặt trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam sẽ được di dời đến đảo Hải Nam sau khi phát hiện “dấu hiệu của dầu và khí đốt”.
Hải Dương 981 được triển khai vào ngày 2/5/2014 và đã gây ra một cơn bão địa chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Giàn khoan được đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tàu thuyền 2 nước thường xuyên có những cuộc rượt đuổi xung quanh khu vực này.
Theo kế hoạch ban đầu, giàn khoan sẽ “đóng đô” tại khu vực quần đảo Hoàng Sa cho đến giữa tháng 8. Nhiều nhà phân tích đã cố gắng để giải thích tại sao Trung Quốc lại rút giàn khoan trước thời hạn mặc dù Tân Hoa Xã đã khẳng định tháng 7 là bắt đầu mùa mưa bão, Trung Quốc làm vậy là để tránh bão. Một số nhà phân tích cho rằng Hải Dương 981 đã hoàn thành nhiệm vụ của nó: tìm đủ hydrocarbons để lấy cớ trở lại sau này. Việc 2 cơn bão xuất hiện đúng thời gian vừa qua cũng là cái cớ hoàn hảo để Trung Quốc rút giàn khoan. Một số khác lại tin rằng Bắc Kinh hy vọng có thể xoa dịu những căng thẳng và cải thiện mối quan hệ với Việt Nam.
Yun Sun, một nhà nghiên cứu về Đông Á thuộc Trung tâm Stimson, Washington cho rằng lý do di dời giàn khoan của Trung Quốc: “việc di dời giàn khoan có vẻ như là sự rút lui của Trung Quốc mặc dù tôi cho rằng cuộc rút lui này là một chiến thuật và ở giai đoạn này, nó không cho thấy bất kỳ thay đổi nào trong chiến lược của Trung Quốc”.
“Bằng việc triển khai giàn khoan dầu tại vùng biển tranh chấp, Trung Quốc đã hình thành một tiền lệ và “sự chính đáng” (ít nhất là theo quan điểm của Trung Quốc) để làm như thế này lần nữa trong tương lai. Khi căng thẳng hạ nhiệt, Việt Nam sẽ không còn động cơ để thực hiện các giải pháp pháp lý hoặc liên kết với Mỹ và Nhật Bản”, bà Yun nói.
Đỉnh điểm của căng thẳng là giữa tháng 6, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đã tới Việt Nam và có những buổi tọa đàm với các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Kể từ sau chuyến thăm này của Dương Khiết Trì, căng thẳng giữa 2 nước đã hạ nhiệt dần. Nhiều nhà phân tích cho rằng Việt Nam vẫn còn muốn duy trì mối quan hệ hòa bình, hữu nghị với Trung Quốc.
Liên minh Mỹ-Việt là điều không tưởng. Việc Trung Quốc rút giàn khoan và lực lượng hộ tống gồm hơn trăm tàu thuyền kéo theo việc Việt Nam rút lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư. Vì vậy, đây là cơ sở để thiết lập các cuộc đàm phán song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam nhằm thảo luận việc làm thế nào đưa mối quan hệ giữa 2 nước trở lại quỹ đạo ban đầu. Điều đó cũng có nghĩa là sẽ không có những biện pháp pháp lý, không có chuyện nâng cấp quan hệ với Mỹ lên tầm cao mới.
Bảo Linh (Lược dịch theo The diplomat)