Ngay sau khi tài liệu Panama được công bố thì hàng loạt tỷ phú thế giới đã bị lộ quỹ đen. Quỹ này giúp họ che giấu tài sản với những người vợ trước khi ly hôn.
Nhiều thông tin về tài liệu Panama (Panama Papers) đã được đăng tải trên báo Đức Süddeutsche Zeitung từ ngày 3-4. Theo đó, bên cạnh tên tuổi những chính trị gia, nhà tài phiệt, người nổi tiếng … có hoạt động ngầm tại đây nhằm trốn thuế, thì một số ít còn có một mục đích khác, là lập “quỹ đen giấu vợ”.
Tài liệu này đã nhanh chóng bóc mẽ hàng nghìn chiêu trò giấu tiền của các vị tỷ phú khi hôn nhân của họ đang dần đổ vỡ.
Email trao đổi về việc hỗ trợ một khách hàng sắp ly hôn. Ảnh: Süddeutsche Zeitung |
Công ty luật Mossack Fonseca là mắt xích quan trọng trong đường dây giấu tiền, là nơi giúp các khách hàng nam giới của minh che giấu một khoản tài sản từ tiền mặt, bất động sản, bộ sưu tập nghệ thuật …
Mục đích chính là nhằm đưa số tài sản giá trị lớn tránh xa khỏi tầm mắt của những người vợ. Đặc biệt, công ty luật này còn giúp các tỷ phú giảm thiểu tối đa số tài sản bị thiệt hại nếu hôn nhân của họ gặp trục trặc.
Điển hình nhất là trường hợp của tỷ phú bất động sản Scot Young. Trước khi chính thức li dị vợ vào năm 2006, ông trùm người Anh này bất ngờ tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là sau 65 lần ra tòa vì cuộc li dị thì tỷ phú Young – người sở hữu khối tài sản hơn 2 tỷ USD chỉ bị tòa yêu cầu trả cho vợ cũ vỏn vẹn 40 triệu USD.
Ông trùm bất động sản Scot Young tuyên bố phá sản trước khi li dị vợ. Người vợ cũ của ông (mặc váy đen) chỉ nhận được 40 triệu USD sau vụ li dị này. Ảnh: Internet |
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu ông Young luôn miệng kêu phá sản nhưng lại có cuộc sống vô cùng thoải mái, thậm chí ông còn mua tặng bạn gái mới một chiếc nhẫn đính hôn nạm kim cương 6 carat. Khi được hỏi về số tiền đó ông cho biết đây đều là tiền “đi vay”.
Chỉ sau khi tài liệu Panama được công bố, dư luận mới ngã ngửa khi biết vị tỷ phú này đã gửi tới hơn 700 triệu USD cho công ty luật Mossack Fonseca “giữ hộ”, không hề có chuyện phá sản như ông từng công bố.
Không chỉ có Scot Young sử dụng chiêu trò này để giảm bớt thiệt hại khi li dị vợ, ngoài ông còn có những cái tên nổi tiếng khác như ông vua phân bón người Nga Dmitry Rybolovlev, ông trùm hàng không Zimbabwe Clive Joy-Morancho… Họ đều tuyên bố phá sản bất ngờ ngay trước khi li dị, tất nhiên những bà vợ của họ chỉ nhận được một phần vô cùng nhỏ trong số tài sản khổng lồ của chồng mình.
Hoài An (tổng hợp)