Việc các em là nằm yên trong cáng giúp thợ lặn dễ thao tác trong không gian hẹp và có thể điều chỉnh nguồn dưỡng khí khi cần.
Hãng tin AFP đưa tin cho hay lực lượng đặc nhiệm SEAL của hải quân Thái Lan hôm qua đã đưa ra công bố những hình ảnh đầu tiên về hoạt động giải cứu các thiếu niên bị mắc kẹt trong hang Tham Luang.
Theo đó, đoạn video dài hơn 5 phút cho thấy các đặc nhiệm tại Thái Lan và các thợ lặn nước ngoài dùng ròng rọc, dây thừng và ống cao su để kéo hai chiếc cáng qua những ngách hang lởm chởm đá sắc nhọn.
Đoạn video này được công bố vào thời điểm chiến dịch giải cứu 13 thành viên của đội bóng Lợn Hoang đã thành công mỹ mãn.
Tuy nhiên, người Thái giữ bí mật về hoạt động cứu nạn đến mức các chuyên gia quốc tế vẫn băn khoăn họ làm cách nào để di chuyển những thiếu niên chưa có kinh nghiệm bơi lặn qua những ngách hang ngập nước và chật hẹp như vậy.
Phương án cứu hộ được nhà chức trách Thái Lan công bố trước đó cho thấy mỗi cậu bé sẽ được hai thợ lặn hộ tống trong quá trình lặn qua ngách hang ngập nước.
Nhưng một số chuyên gia cho rằng biện pháp này gần như bất khả thi, bởi các em mới chỉ làm quen với thiết bị lặn vài ngày trước, việc tự lặn trong môi trường tối tăm chật hẹp như vậy là rất khó khăn, ngay cả khi được thợ lặn chuyên nghiệp hỗ trợ. Chỉ cần một phút giây hoảng loạn, các em có thể gây hại đến tính mạng của mình và của các thợ lặn xung quanh.
Một ngày im lặng trước nhiều đồn đoán, một cựu đặc nhiệm SEAL đã lên tiếng, tiết lộ rằng các cậu bé không phải tự bơi mà gần như ngủ thiếp đi hoặc lơ mơ khi được bó trong cáng và được thợ lặn chuyền tay nhau để di chuyển trong hang.
Một chiếc cáng được các nhân viên cứu hộ đưa ra cửa hang Tham Luang hôm 10/7. Ảnh: AFP |
"Một số đứa ngủ, số còn lại lúc lắc bàn tay như thể đang ngất ngư, nhưng chúng đều thở bình thường", trung tá Chaiyananta Peeranarong, một trong những thợ lặn cuối cùng rời khỏi hang Tham Luang khi chiến dịch giải cứu kết thúc ngày 10/7, cho biết hôm qua.
Chaiyananta cho hay nhiều bác sĩ được bố trí dọc các đường hầm tối tăm của hang Tham Luang và liên tục kiểm tra nhịp tim cũng như tình trạng sức khỏe của các cậu bé qua mỗi chặng. "Nhiệm vụ của tôi là chuyển các cậu bé từ chặng này cho người đang chờ sẵn ở chặng kế tiếp", ông nói. "Bọn trẻ được bó chặt sẵn trong cáng khi được chuyển đi như vậy".
Trung tá Chaiyananta không nói rõ huấn luyện viên 25 tuổi Ekkapol Chantawong có phải nằm cáng như các cậu bé hay có thể tự lặn và đi bộ ra khỏi hang hay không.
Derek Anderson, chuyên gia cứu nạn 32 tuổi thuộc không quân Mỹ đóng quân ở Okinawa, Nhật Bản và tới Thái Lan tham gia cứu hộ từ ngày 28/6, cho biết cách "bó giò" các cậu bé trong cáng như vậy giúp các thợ lặn có thể kiểm soát chúng một cách dễ dàng và có thể điều chỉnh nguồn cung cấp dưỡng khí khi cần thiết.
Hành trình thoát khỏi hang kéo dài nhiều giờ, băng qua những ngách hang hẹp, nên điều lực lượng cứu hộ cần nhất là các cậu bé giữ được bình tĩnh, không hoảng sợ và vùng vẫy. Thủ tướng Thái Lan cho biết các thiếu niên đã được dùng thuốc an thần dạng nhẹ để các em không hoảng loạn, tạo điều kiện cho thợ lặn làm việc. Ông bác bỏ thông tin cho rằng các em đã bị chuốc thuốc mê.
Các cậu bé trong đội bóng được mặc bộ trang phục lặn kín từ đầu đến chân và đeo một loại mặt nạ đặc biệt luôn đảm bảo áp suất dương cho người đeo.
Anderson giải thích rằng mặt nạ áp suất dương này là yếu tố mang tính sống còn trong chiến dịch giải cứu. Khi các cậu bé được thợ lặn đẩy qua ngách hang hẹp, mặt nạ của các em có thể bị xộc xệch khiến nước tràn vào, nhưng áp suất dương trong mặt nạ sẽ lập tức đẩy nước ra ngoài, giúp các em không bị sặc.
Anderson cho rằng cuộc giải cứu các thiếu niên và huấn luyện viên mắc kẹt trong hang Tham Luang suốt 18 ngày là chiến dịch đầy khó khăn, thử thách mà các thợ lặn chuyên nghiệp quốc tế khó có thể trải qua lần thứ hai trong đời.
Theo ông, yếu tố đầu tiên quyết định sự thành công của chiến dịch chính là sự kiên cường đáng kinh ngạc của các cậu bé và huấn luyện viên cũng như ý chí "sống chết cùng nhau" của họ, trong một môi trường khắc nghiệt ngoài sức tưởng tượng.
Khi đến Tham Luang trong trời mưa tầm tã vào ngày 28/6 để tham gia chiến dịch cứu nạn theo đề nghị từ chính phủ Thái Lan, đội chuyên gia người Mỹ của Anderson ban đầu nghĩ rằng đây chỉ là một cuộc giải cứu bình thường, không quá mức phức tạp.
"Hang động khá khô ráo khi chúng tôi bước vào, nhưng chỉ một tiếng rưỡi sau, nước đã dâng lên tới gần một mét khiến chúng tôi phải rút lui", Anderson kể lại. "Đó mới chỉ là đoạn đầu của hang và đến lúc này, chúng tôi nhận ra rằng vấn đề phức tạp hơn mình nghĩ".
Cũng theo chuyên gia này, hai ngày nỗ lực đầu tiên nhằm tìm kiếm các cậu bé thật bại bởi dòng nước lũ lạnh buốt và chảy xiết khiến thợ lặn không thể vượt qua được các ngách hang hẹp.
Khi nước lũ rút bớt, các thợ lặn mới có thể bắt đầu tiến hành hoạt động gian nan không kém là rải dây cứu hộ trong hang.
"Với hình thức cứu nạn trong hang này, bạn phải rải dây thừng dọc lối đi, đó là mạng sống của bạn. Bạn phải đảm bảo rằng khi tiến vào một ngách hang nào đó, luôn có một sợi dây cho bạn biết lối ra", Anderson giải thích. "Việc rải dây có tiến triển, nhưng nó cũng khiến các thợ lặn kiệt sức khi chỉ có thể rải được 40-50 mét dây trong 5-6 tiếng".
Thợ lặn người Anh John Volanthen đã tìm thấy các cậu bé trong lúc rải dây như vậy. Khi dây hết tầm, ông buộc phải nổi lên trong một ngách hang và sửng sốt phát hiện 13 cặp mắt đang nhìn chằm chằm vào mình. Nếu sợi dây của Volanthen ngắn đi khoảng 3 mét, ông có lẽ sẽ quay ra và không bao giờ tìm thấy những đứa trẻ.
Chuyên gia Anderson cho biết phương án giải cứu bằng cách cho các thiếu niên ra ngoài bằng lối chính được quyết định khi trời ngớt mưa và nỗ lực bơm nước ra khỏi hang phát huy hiệu quả. Với hàng triệu lít nước được hút ra, trong hang Tham Luang đã hình thành nhiều túi khí quan trọng giúp phương án giải cứu này trở nên khả thi.
Thời điểm này, mức oxy trong hang đã giảm nghiêm trọng làm phương án chờ đợi hết mùa mưa có thể đe dọa đến khả năng sống sót dài hạn của các cậu bé.
Các thợ lặn đã luyện tập phương án giải cứu này trong một hồ bơi với sự tham gia của những đứa trẻ trong vùng có cùng chiều cao và cân nặng với 12 cầu thủ nhí của đội Lợn Hoang. Hoạt động thực nghiệm này cho thấy việc giải cứu các em bằng cáng hoàn toàn có thể thành công.
Đợt giải cứu thứ nhất được tiến hành hôm chủ nhật với việc 4 thành viên đầu tiên của đội bóng được cứu ra ngoài. 4 cậu bé tiếp theo được cứu vào hôm thứ hai và chiến dịch kết thúc hôm 10/7 với 5 thành viên còn lại của đội Lợn Hoang được giải cứu thành công.
Anderson kể rằng có hàng trăm người trong hang để thực hiện mỗi đợt giải cứu, trong đó mỗi cậu bé được hàng chục người hỗ trợ để vượt qua tổng cộng 9 đoạn hang hiểm trở.
Một số đoạn hang, các cậu bé sẽ được hai thợ lặn kéo đi nhưng ở những ngách hang hẹp, cáng của chúng chỉ được nối dây cáp với một thợ lặn để lách qua.
Ở những đoạn hang không ngập nước, cáng của đứa trẻ được thả nổi, với sự hỗ trợ của 4 cứu hộ viên. Một vài đoạn khô ráo hoàn toàn, nhưng lực lượng cứu hộ phải mang cáng vượt qua địa hình lởm chởm và dốc đứng.
"Chúng tôi đã phải thiết lập các hệ thống dây thừng và ròng rọc để có thể đưa những cái cáng qua các khoang ngầm lớn", Anderson nói.
Các bình oxy bố trí dọc hang được bơm dưỡng khí với tỷ lệ 80% oxy thay vì không khí bình thường. "Điều này giúp tăng nồng độ bão hòa oxy cho những đứa trẻ, điều rất tốt cho trạng thái tinh thần của chúng", ông giải thích.
Với sự phức tạp và khó khăn của nhiệm vụ như vậy, Anderson cho rằng lực lượng cứu hộ đã vô cùng may mắn khi thực hiện thành công chiến dịch. "Điều quan trọng là chúng tôi phải nhận ra mức độ phức tạp của nhiệm vụ cũng như phải ráp nối những chi tiết nhỏ nhất trong một kế hoạch lớn", chuyên gia cứu nạn dày dạn kinh nghiệm này cho biết. "Nếu mất bình tĩnh dù chỉ một chút trong môi trường như vậy, rất nhiều hậu quả tồi tệ sẽ xảy ra".
Minh Di (tổng hợp)