Sự can thiệp quân sự của Nga tại Syria đã kết thúc đột ngột như khi bắt đầu. Vậy việc rút quân này có ý nghĩa gì cho hòa đàm Syria và tương lai của Syria sẽ đi về đâu?
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bất ngờ tuyên bố rút quân và giảm không kích tại Syria.
Thông báo này được đưa ra đúng lúc cuộc chiến được 5 năm và cùng ngày với cuộc hòa đàm Syria diễn ra ở Geneva.
Có ít nhất 300.000 người thiệt mạng và 11 triệu người Syria buộc phải rời bỏ quê nhà, không có gì quan trọng hơn cuộc đàm phán giữa chính quyền Assad và các nhóm phiến quân - do Nga và phương Tây làm trung gian - thành công.
Vậy thì việc rút quân đột ngột này có ý nghĩa gì cho cuộc đàm phán tại Geneva và cuối cùng, tương lai Syria sẽ đi về đâu?
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: RIA Novosti |
Tại sao Nga rút quân lúc này?
Giáo sư lịch sử James Gelvin đến từ ĐH California Los Angeles cho rằng những lợi ích của Nga tại Syria không còn lớn hơn cái giá mà họ phải trả.
Ông Putin không thể mong đợi lấy lại tất cả phần lãnh thổ bị Nhà nước Hồi giáo IS và nhiều nhóm phiến quân khác chiếm đóng nhưng Nga đã có những bước tiến đại diện cho lực lượng chính phủ Syria, ông Gelvin nói.
"Nga đã tới Syria vào thời điểm mà chính phủ nước này đang thất bại và ở thế phòng thủ. Nga có thể làm thay đổi cục diện và chính phủ hiện nay đang ở trong tình thế thuận lợi như Putin muốn".
Nhưng điều này có cái giá của nó. Ông Gelvin cảm thấy động thái này là một nước cờ khôn ngoan mà ông Putin thực hiện khi đàm phán Geneva bắt đầu.
"Ông ấy rút quân để Assad biết rằng Syria thuộc về họ và sẽ phải thương lượng".
Phóng viên Matthew Chanes của CNN nói rằng ông Putin đã tuyên bố chiến thắng và rút quân trước khi Syria trở lại hỗn loạn.
"Người Nga có thể nói rằng họ đã thực hiện và đạt được các mục tiêu quân sự, đưa các đối tác lên bàn đàm phán, hỗ trợ đồng minh Trung Đông của họ là Bashar al-Assad, tất cả với cái giá nhỏ nhất", Chanes nói.
Ông Putin đã ra lệnh rút "phần chính của các phe phái quân sự khỏi nước Cộng hòa Ả Rập Syria" nhưng Nga sẽ duy trì sự hiện diện lâu dài tại nước này ở các căn cứ tại Latakia và Tartus.
Ai được củng cố bởi sự rút quân này?
Chuyên gia phân tích quân sự của CNN Rick Francona nói sự can thiệp của Nga đã mang lại cho ông Assad một vị thế thương lượng mạnh hơn các nhóm phiến quân.
Tuy nhiên, nhà phân tích cho rằng với ông Putin, việc ai nắm quyền không quan trọng bằng việc bảo đảm cho sự hiện diện của Nga tại Syria. Ông Putin có thể kêu gọi đồng minh của mình - Assad - chấp nhận một giải pháp, ví dụ như xin tị nạn ở Iran, để tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán.
"Họ có thể gây áp lực để ông ấy xuống nước tại các cuộc đàm phán. Putin biết Assad phải ra đi. Ông ấy sẽ không buông gươm vì Assad", Francona nói.
Điều này có ý nghĩa gì cho cuộc chiến chống IS?
Ông Sergei Markov, một cựu thành viên của Duma quốc gia Nga nói rằng IS đang ở thế thủ.
"Cơ sở hạ tầng kinh tế và quân sự chính của IS đã bị phá hủy trong các cuộc không kích của Nga", ông nói.
"Kết quả trong vài tuần quân đội chính phủ Syria sẽ chiếm lại quyền kiểm soát Palmyria và sau đó, tôi cho rằng ngay cả khi không có sự hỗ trợ của Nga từ trên không, quân đội Syria vẫn sẽ tiêu diệt IS vào giữa năm nay".
Các cuộc không kích của Nga bị những nhóm nổi dậy ôn hòa và các đồng minh phương Tây chỉ trích. Các nhà phê bình chỉ ra các vụ đánh bom nhằm vào những khu vực dân sự và họ tin là Nga đang cố giúp đồng minh của mình - tổng thống Syria Bashar al-Assad - loại bỏ phe đối lập.
Tuy nhiên, vẫn có hy vọng rằng một khi tiến trình hòa bình được thực hiện, Nga có thể tập trung hơn vào tiêu diệt nhóm thánh chiến.
"Nga tóm lại là họ sẵn sàng hợp tác với Mỹ (trong các chiến dịch chống IS), điều này luôn được hoan nghênh. Nhưng họ cần theo sau IS trong thời gian này thay vì ném bom quân nổi dậy. Nếu họ muốn trở thành một đối tác, họ cần hành động như một đối tác", ông Francona nói.
[mecloud]oCIvs8eRz4[/mecloud]
Con đường phía trước dành cho Syria?
Theo Francona, ông Assad nên buộc phải từ chức. Syria và Nga có thể sẽ dựa vào Iran - một đồng minh quan trọng - để cung cấp an ninh cần thiết để tránh bỏ trống quyền lực. Đây là điều mà Mỹ đã trải qua ở nước láng giềng Iraq.
Tuy nhiên, bất cứ sự chuyển giao nào cũng mất thời gian.
"Tôi không nghĩ chúng ta sẽ được thấy cuộc sống bình thường tại Syria trong thời gian tới".
Nhiều người Syria hy vọng sẽ có một hiến pháp mới và các cuộc bầu cử tự do trong năm tới.
"Người Syria không có giải pháp khác nhưng có một giải pháp chính trị đó là sự hòa giải, tư pháp chuyển tiếp, sau đó là bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng đã sụp đổ, các thành phố bị pháp hủy, những bệnh viện, trường học bị tàn phá", Ayman Abdel-Nour, tổng biên tập All4Syria Bulletin hy vọng. Tuy nhiên, ông cho biết việc loại bỏ chế độ Assad mới chỉ là bắt đầu.
Assad sẽ thực sự ra đi?
Phe đối lập Syria muốn Assad ra đi nhưng nếu phương Tây kêu gọi lật đổ ông, điều này sẽ gây ra sự cố ngay lập tức cho cuộc đàm phán hòa bình, ông Gelvin nói.
Tuy nhiên, cả ông Gelvin và Francona đều nói rằng Nga có thể sẵn sàng đẩy ông Assad xuống khi sự hiện diện của ông không còn là trung tâm đối với các kế hoạch của Nga tại khu vực.
Tuy nhiên, với nhiều người Syria, sự thay đổi lãnh đạo chỉ hơn cuộc vận động chính trị nhưng
là chìa khóa để chữa lành bệnh của đất nước.
"Gia đình Assad nên buông bỏ quyền lực và để cho người dân Syria được quyết định hiến pháp của mình thông qua bầu cử tự do", Abdel-Nour nói.
Bảo Linh (CNN)