Tin mới

10 năm chiến tranh: Syria thành bức tranh rách nát

Thứ ba, 16/03/2021, 15:18 (GMT+7)

Đã 10 năm kể từ khi các cuộc nổi dậy ở Syria bắt đầu và đất nước vần sa lầy trong một cuộc chiến khiến hàng triệu người phải mất nhà cửa, hàng trăm nghìn người thiệt mạng.

Theo Hội Chữ thập đỏ, nền kinh tế Syria sa sút, đẩy gần 80% đất nước xuống mức nghèo khổ. Ước tính con số tử vong cuối cùng của LHQ vào năm 2016 là hơn 400.000 người. Đài quan sát Nhân quyền Syria, một tổ chức giám sát chiến tranh có trụ sở tại Anh đã đưa ra con số hơn 593.000 tính đến tháng 12/2020.

Khoảng 11 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo, khoảng 6 triệu người phải di tản trong nước và 5,5 triệu người tị nạn Syria đang sống ở các nước láng giềng, theo UNHCR. Các liên minh đang thay đổi và sự thay đổi nhanh chóng kể từ năm 2011 đã tạo ra một cuộc xung đột phức tạp đang tiếp diễn, đặc biệt là ở tây bắc đất nước.

Bài viết này sẽ cho bạn cái nhìn tổng quan về cuộc chiến Syria sau 10 năm, hiện những phe phái nào đang kiểm soát lãnh thổ.

Cuộc chiến bắt đầu

Vào ngày 15/3/2011, tình trạng bất ổn đã nổ ra trên các tuyến phố của Deraa, Damascus và Aleppo khi người biểu tình đòi cải cách dân chủ và trả tự do cho các tù nhân chính trị. Vài ngày trước đó, các cuộc biểu tình đã nổ ra do một nhóm nam thiếu niên bị bắt và tra tấn tại thành phố Deraa do vẽ bậy lên án Tổng thống Bashar al-Assad.

Sau đó là một cuộc đàn áp bạo lực của chính phủ. Vào tháng 7/2011, những người đào tẩu từ quân đội tuyên bố thành lập Quân đội Syria Tự do (FSA), một nhóm nổi dậy nhằm lật đổ chính phủ, biến cuộc nổi dậy thành nội chiến.

Các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra vào năm 2012 và đến năm 2013, nhiều nhóm nổi dậy khác đã nổi lên khắp đất nước. Cuối năm đó, ISIL (ISIS) nổi lên ở miền bắc và miền đông Syria sau khi đánh chiếm phần lớn lãnh thổ Iraq.

Các nhóm tham gia vào cuộc chiến tại Syria: Quân đội Syria Tự do (FSA), Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), Jabhat Fatah al-Sham, Quân độ Quốc gia Syria (SNA), Chính phủ Syria, ISIL (ISIS), Hezbollah.

10 năm chiến tranh: Syria thành bức tranh rách nát - Ảnh 1

Chính phủ Syria

Bashar al-Assad kế thừa quyền cai trị Syria vào năm 2000 từ bố là ông Hafez al-Assad (người đã cầm quyền Syria từ năm 1970).

Quân đội Syria Tự do (FSA)/Quân đội Quốc gia Syria

FSA là một nhóm được hình thành vào năm 2011 từ lữ đoàn vũ trang đào tẩu khỏi quân đội Syria và dân thường được Thổ Nhĩ Kỳ cùng một số quốc gia vùng Vịnh hậu thuẫn.

Kể từ trận chiến Aleppo vào tháng 12/2016, FSA kiểm soát các khu vực hạn chế của Idlib phía tây bắc Syria.

Hay'et Tahrir al-Sham (HTS)

HTS trước đây là Jabhat Fatah al-Sham và Jabhat al-Nusra. Jabhat al-Nusra được thành lập ở Syria vào năm 2011 với tư cách là một chi nhánh của al-Qaeda trong phe đối lập với chính phủ Assad.

Đến tháng 1/2017, Jabhat Fatah al-Sham đổi tên khi hợp nhất với một số nhóm khác để thống nhất dưới ngọn cờ Hay'et Tahrir-al Sham.

Hiện tại, HTS khẳng định rằng nó là “một thực thể độc lập không theo tổ chức hay đảng phái nào”.

Hezbollah

Hezbollah là một nhóm vũ trang Shia và một lực lượng chính trị có trụ sở ở Lebanon, được Iran hậu thuẫn. Họ chuyển đến Syria để hỗ trợ lực lượng của al-Assad và họ hiện không kiểm soát phần lãnh thổ nào ở Syria.

Lực lượng Dân chủ Syria (SDF)

Liên minh dân quân người Kurd và Ả Rập này được thành lập vào năm 2015. Thành phần của nó chủ yếu bao gồm các chiến binh YPG và các nhóm nhỏ hơn gồm các chiến binh Ả Rập, Turkmen và Armenia.

Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG, thành phần lớn của lực lượng SDF, một phần mở rộng của PKK, đã tiến hành một chiến dịch vũ trang giành độc lập chống lại chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khiến hơn 40.000 người thiệt mạng kể từ năm 1984.

Các thành phố chính dưới sự kiểm soát của người Kurd là Raqqa, Qamishli, Hasakah.

ISIL (ISIS)

Chủ yếu được biết đến với sự tàn bạo của các chiến binh nước ngoài, hệ thống chính phủ có tổ chức và sự hiện diện mạnh mẽ trên mạng xã hội, ISIL đã vươn lên nắm quyền lực ở Syria sau năm 2012 khi tình trạng bất ổn dân sự gia tăng. Đến năm 2014, nó đã chiếm được một vùng đất đáng kể bằng vũ lực và tuyên bố tạo ra một "caliphate".

“Caliphate” của ISIL đã bị phá hủy vào tháng 3/2019 nhưng khả năng tái xuất của chúng vẫn xuất hiện trong khu vực. Vào năm 2014, trong thời kỳ đỉnh cao quyền lực, tổ chức này đã kiểm soát khoảng một phần ba lãnh thổ Iraq và Syria.

Thiệt hại của chiến tranh

Aleppo

Aleppo là một trung tâm công nghiệp và kinh tế ở tây bắc Syria với gần 3 triệu dân vào thời kỳ đỉnh cao.

Vào tháng 12/2016, quân đội Syria đã ghi được chiến thắng lớn nhất trước quân nổi dậy khi tái chiếm thành phố chiến lược này. Thành phố đã bị chia cắt và nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân kể từ đầu cuộc bất ổn năm 2012.

Một trận bão cát làm tăng thêm vẻ ảm đạm của sự tàn phá trong khu dân cư Karm al-Jabal ở phía bắc thành phố Aleppo vào ngày 10/3/2017. Ảnh: Getty
Một trận bão cát làm tăng thêm vẻ ảm đạm của sự tàn phá trong khu dân cư Karm al-Jabal ở phía bắc thành phố Aleppo vào ngày 10/3/2017. Ảnh: Getty

Đông Ghouta

Đông Ghouta nằm cách thủ đô Damascus 10km về phía đông. Năm 2018, sau cuộc tấn công ác liệt kéo dài 7 tuần khiến phần lớn thành phố đổ nát, quân đội Syria đã giành lại quyền kiểm soát các khu vực do các tay súng đối lập nắm giữ kể từ năm 2012.

Một thành viên của lực lượng Assad đứng bảo vệ trước các tòa nhà bị phá hủy ở Jobar, Đông Ghouta. Ảnh: Reuters
Một thành viên của lực lượng Assad đứng bảo vệ trước các tòa nhà bị phá hủy ở Jobar, Đông Ghouta. Ảnh: Reuters

Raqqa

Raqqa, nằm trên sông Euphrates ở phía bắc của Syria, là thủ đô của chính quyền đầu tiên nằm dưới sự kiểm soát của phe đối lập sau khi bắt đầu cuộc nổi dậy ở Syria vào năm 2011. Năm 2014, thành phố bị ISIL (ISIS) chiếm giữ và tuyên bố đây là thủ đô của chúng.

Raqqa và nhiều ngôi làng và thị trấn trong tỉnh đã bị tàn phá bởi các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu trong chiến dịch chống ISIL từ năm 2016-2017. Theo một số ước tính, từ 70 đến 80% thành phố đã bị phá hủy và cơ sở hạ tầng của nó gần như hoàn toàn bị xóa sổ.

Phần còn lại của các tòa nhà nằm trên một con phố bị hư hại trong cuộc giao tranh giữa các chiến binh SDF do Mỹ hậu thuẫn và ISIL, ở Raqqa. Ảnh: AP
Phần còn lại của các tòa nhà nằm trên một con phố bị hư hại trong cuộc giao tranh giữa các chiến binh SDF do Mỹ hậu thuẫn và ISIL, ở Raqqa. Ảnh: AP

Là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận ở miền trung Syria, Palmyra đã bị ISIL đánh chiếm hai lần, lần đầu tiên vào tháng 5/2015 và sau đó một lần nữa vào tháng 12/2016. Nhóm đã phá hủy một số kỳ quan cổ đại bao gồm Đền Bel, Đền thờ Baal Shamin, Khải hoàn môn và các cột trong Thung lũng các Lăng mộ.

Vào tháng 3/2017, quân đội Syria, với sự hỗ trợ của lực lượng đồng minh và máy bay chiến đấu của Nga, đã tái chiếm thành phố.

Deir az Zor

Vào năm 2014, ISIL đã chiếm được Deir az Zor, một chính quyền giàu dầu mỏ nằm ở phía đông của đất nước giáp với Iraq. Thành phố chính đã được quân chính phủ Syria chiếm lấy với sự giúp đỡ của SDF vào tháng 11/2017. Đây là thành trì đô thị cuối cùng của ISIL ở đất nước bị chiến tranh tàn phá.

Idlib

Tỉnh Idlib ở biên giới phía tây của Syria với Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nơi sinh sống của hơn 3 triệu người, phần lớn là di cư nội địa. FSA đã kiểm soát khu vực này kể từ khi bắt đầu xảy ra bất ổn dân sự.

Dần dần, các lực lượng nổi dậy đã mất quyền kiểm soát trước lực lượng của Assad. Kể từ tháng 12/2019, chính phủ Syria đã gia hạn các hoạt động quân sự để tiếp quản thành trì cuối cùng của phe đối lập, pháo kích vào vùng nông thôn Idlib với sự hậu thuẫn của các cuộc không kích của Nga.

Cái giá của chiến tranh

Với những thiệt hại to lớn về nhà cửa, trường học, bệnh viện và cơ sở hạ tầng, nhiều khu vực lớn của Syria đã bị tan nát vì giao tranh. Các lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ và sự gia tăng của các ca nhiễm Covid-19 đã khiến cuộc sống của các gia đình kiệt quệ vì chiến tranh càng trở nên khó khăn hơn.

Nơi trú ẩn hạn chế, nhiên liệu khan hiếm và giá lương thực tăng cao. Theo LHQ, Syria là "thảm họa nhân tạo tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II".

9,3 triệu người Syria bị mất an ninh lương thực và khoảng 4,5 triệu trẻ em đang bị đói ở đất nước này.

Người Syria chiếm 1/3 tổng số người tị nạn trên khắp thế giới. Theo UNHCR, 80% người tị nạn Syria sống dưới mức nghèo khổ, với khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, giáo dục hoặc cơ hội việc làm hạn chế.

Ít nhất 5,5 triệu người tị nạn đang sống ở các nước láng giềng Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Lebanon và Ai Cập - và ở Syria, 6 triệu người phải di tản trong nước.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: Syria chiến tranh