Đất nước Trung Hoa nổi tiếng với nền ẩm thực phong phú đa dạng và cũng không kém phần đặc sắc. Khi mới nghe qua cái tên 'đậu phụ thối', 'đậu phụ mọc lông' chắc hẳn ai cũng sẽ nghĩ đó là một món ăn "kinh dị".
Nhiều người quan niệm rằng, đồ thối mốc thì làm sao mà ăn được nữa, ăn vào sẽ sinh bệnh? Tuy nhiên đậu phụ mốc, thối ở Trung Quốc lại được coi là một đặc sản.
Đậu phụ ngâm nước muối rau cải càng lâu thì càng mềm ngon và tất nhiên là sẽ càng thối. Ảnh: FB
Món đậu phụ thối có mùi thối là do đậu phụ đã trải qua quá trình lên men mạnh tới khi đậu nổi sợi lông mốc màu trắng.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng cho thấy đậu phụ thối hoàn toàn không có độc mà ngựơc lại nó còn có giá trị dinh dưỡng.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, món ăn này có hàm lượng vitamin B2 và B12 rất cao, giúp phòng tránh bệnh mất trí nhớ ở người già. Ngoài ra, hàm lượng protein trong đậu phụ thối khá cao, chiếm khoảng 15-20%, tương đương với nhiều loại thịt.
Thực phẩm trứ danh ở xứ tỷ dân này còn chứa lượng canxi phong phú. Chưa kể, các chất protein trong đậu phụ thối sau khi lên men chuyển hóa thành các loại axit amin, có tác dụng tăng cảm giác thèm ăn, hỗ trợ tiêu hóa. Ngoài ra, đậu phụ thối còn có tác dụng chữa bệnh.
Các chuyên gia khuyến cáo không nên ăn nhiều đậu phụ thối, vì trong quá trình lên men, đậu phụ thối sẽ sản sinh ra các amin như methylamine, putrescine, serotonin. Các chất này giúp cho món ăn có mùi rất đặc biệt nhưng không hoàn toàn có lợi cho sức khỏe.
Theo sách Đông Y cổ, đậu phụ thối mang tính hàn nhưng ích khí, có tác dụng điều hòa tỳ vị, giảm chướng bụng đầy hơi, thanh nhiệt tán huyết, giúp thải độc cho đại tràng.
Nhiều vùng ở Trung Quốc còn ngâm đậu phụ lên men đến mức chuyển sang dạng màu đen kịt. Và những viên đậu phụ đen này đúng là thử thách lớn đối với du khách nước ngoài muốn ăn thử đậu phụ thối lần đầu tiên.
Đậu hũ thối, mốc thậm chí trở thành đề tài nghiên cứu khoa học quen thuộc của các sinh viên, giảng viên chuyên ngành hóa học ở Trung Quốc. Trường đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) đã tiến hành xét nghiệm một mẫu đậu hũ thối trong phòng thí nghiệm và phát hiện hơn 15 loại vi khuẩn có lợi trong thành phần của nó, tương tự các loại vi khuẩn tìm thấy trong sữa chua (yogurt).
Trong quá trình chế biến dễ bị vi khuẩn xâm nhập gây ngộ độc thực phẩm. Thêm nữa hàm lượng muối trong đậu phụ thối khá cao vì thế không nên ăn nhiều.
Còn các nhà nghiên cứu Hong Kong tìm được 21 loại hợp chất hóa học vô hại trong đậu hũ thối, chỉ có duy nhất một loại không tốt cho sức khỏe nhưng không đáng kể.