Tin mới

Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập ASEAN: Chuyện có dễ dàng như ông Duterte tuyên bố?

Thứ sáu, 19/05/2017, 09:01 (GMT+7)

Timor-Leste có nhiều cơ hội thực tế hơn mà còn chưa được thì làm sao có chuyện Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ được kết nạp vào ASEAN.

Timor-Leste có nhiều cơ hội thực tế hơn mà còn chưa được thì làm sao có chuyện Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ được kết nạp vào ASEAN.

Trong cuộc họp báo mới đây, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết đã được tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và thủ tướng Mông Cổ Jargaltulga Erdeneba đề nghị bảo trợ cho việc hai nước này xin gia nhập và ông Duterte trên cương vị chủ tịch đương nhiệm của ASEAN đã gián tiếp biểu lộ sự ủng hộ bằng câu trả lời "Tại sao không ?"

Thiên hạ bị bất ngờ về câu trả lời này của ông Duterte không kém gì về việc hai nước kia thể hiện ý định gia nhập ASEAN và lại còn bằng cách đề cập với ông Duterte. Trong khi đó, Ban thư ký ASEAN ở Jakarta (Indonesia) cho biết đến nay chưa nhận được đề nghị chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ.

Ông Duterte hiện là chủ tịch đương nhiệm của ASEAN nên không có gì bất thường khi ông Erdogan và ông Erdeneba đề đạt mong muốn gia nhập ASEAN của hai nước này với ông Duterte. Nhưng chỉ như vậy thôi thì chưa thể đủ để được coi là chính thức đề nghị. Hiến chương ASEAN, có hiệu lực từ năm 2008, quy định những thủ tục và quy trình cụ thể.

Cho nên nhiều khả năng việc xin gia nhập ASEAN mới chỉ là ý tưởng còn rất mơ hồ chứ chưa phải là định hướng và chủ ý cụ thể của Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ hoặc ông Erdogan và ông Erdeneba hiện đang thăm dò tính khả thi của việc hai nước này xin gia nhập ASEAN.

Giống như mọi tổ chức hợp tác và liên kết khu vực, châu lục hiện tại trên thế giới, ASEAN không chủ trương khép kín, co cụm và đóng cửa tổ chức. Nhưng cái tên gọi của nó đã hàm ý chủ định phạm vi diện thành viên của tổ chức.

Điều 6 trong Hiến chương ASEAN cụ thể hoá một trong 4 điều kiện để được kết nạp vào tổ chức là "ở khu vực được công nhận về địa lý là Đông Nam Á".

Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập ASEAN: Chuyện có dễ dàng như ông Duterte tuyên bố? - Ảnh 1.

Thủ tướng Mông Cổ Jargaltulga Erdeneba và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Mông Cổ là quốc gia châu Á. Thổ Nhĩ Kỳ được coi là quốc gia ở vừa châu Á lẫn châu Âu. Nhưng cả hai đều cách rất xa khu vực Đông Nam Á về địa lý và không thể được công nhận là quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, vì thế hiện tại không thể đáp ứng nổi điều kiện này của ASEAN.

Hay nói theo cách khác, chừng nào ASEAN chưa sửa đổi Điều 6 này trong Hiến chương ASEAN thì chừng đó chưa thể đặt ra chứ chưa nói bàn thảo đến khả năng kết nạp hai nước kia làm thành viên.

Sửa đổi Hiến chương là chuyện trọng đại và cần nhiều thời gian đối với ASEAN. Ông Duterte đảm trách cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN có một năm và khoảng thời gian ấy chắc chắn không thể đủ để vận hành tiến trình sửa đổi Hiến chương đối với ASEAN.

Ấy là còn chưa nói đến việc hai nước kia có thể là đối tác quan trọng thật đấy đối với ASEAN nhưng chắc chắn cũng không có chuyện vì họ mà ASEAN phải sửa đổi hoặc thay đổi Hiến chương ASEAN.

Ý tưởng về Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ gia nhập ASEAN còn càng bị hoài nghi về tính khả thi khi Timor-Leste là quốc gia ở khu vực Đông Nam Á thật sự và đã từ vài năm nay đề nghị được gia nhập ASEAN nhưng đâu đã được ASEAN xem xét.

Với Hiến chương hiện hành của ASEAN, Timor-Leste có nhiều cơ hội thực tế hơn để được gia nhập ASEAN mà còn chưa được thì làm sao có chuyện hai nước kia được kết nạp vào ASEAN. Sẽ không thể có chuyện ASEAN bất chấp những quy định, quy trình và ràng buộc đã thống nhất vận dụng lâu nay để bên trọng bên khinh.

Điều rất quyết định đối với chuyện mở rộng tổ chức đón thêm thành viên mới là chính việc này hiện không thời sự và cấp bách đối với ASEAN, không được ưu tiên và thậm chí cả không làm lợi nhiều cho ASEAN.

Giống như mọi tổ chức hợp tác và liên kết châu lục, khu vực khác trên thế giới, ASEAN hiện cũng phải hài hoà và lựa chọn ưu tiên giữa tăng cường liên kết và hợp tác theo chiều sâu với theo chiều rộng.

Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập ASEAN: Chuyện có dễ dàng như ông Duterte tuyên bố? - Ảnh 2.

Năm 2017, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhận chức Chủ tịch luân phiên ASEAN.

ASEAN hiện phải đối phó với nhiều thách thức cả ở bên trong lẫn từ bên ngoài. Tổ chức mạnh hay yếu phụ thuộc cả vào thành viên nhiều hay ít nhưng trước hết và quyết định nhất vào sự đoàn kết và thống nhất nội bộ.

Một khi nội bộ rạn nứt và phân hoá, đồng sàng dị mộng và trống đánh xuôi kèn thổi ngược thì mở rộng tổ chức chỉ thêm phức tạp, lợi bất cập hại và thậm chí cả phản tác dụng. 

Cho nên sẽ khả thi hơn nhiều nếu ASEAN cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ thoả thuận và thiết lập những khuôn khổ hợp tác song phương như ASEAN đã làm và hiện có với nhiều đối tác khác ở bên ngoài khu vực Đông Nam Á.

Việc ông Duterte tỏ ra tâm đắc với thổ lộ của ông Erdogan và ông Erdeneba cho thấy Tổng thống Philippines hoặc có được tầm nhìn rất xa cho ASEAN trong tương lai hoặc chưa được cấp dưới thông tin đầy đủ về tính phức tạp của vấn đề và những cản trở về pháp lý và thỉ tục mà hiện không thể vượt qua nổi.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news