Sáng sớm ngày 18/1, người dân ở vùng Amur của Nga phát hiện một vật thể phát sáng bay trên trời, để lại một vệt trắng dài trong bầu khí quyển. Vật thể này sau đó được xác nhận là một thiên thạch.
Khu vực người dân nhìn thấy vệt khói mà thiên thạch để lại ở gần một doanh trại quân đội trong thành phố Belogorsk, vùng Amur.
"Vệt khói mà thiên thạch để lại giống như vệt khói máy bay, nhưng lớn hơn và sáng hơn nhiều", một nhân chứng tại thành phố Belogorsk nói với trang tin Amur.info.
Sau đó viên đá nổ tung, song khoảng 8 phút sau đó những âm thanh giống như sấm rền mới tới tai của người dân.
"Đó là tiếng nổ lớn. Vệt khói tồn tại trên trời trong ít nhất hai giờ", một người dân kể.
Vệt khói mà thiên thạch để vào sáng sớm hôm 18/1 lại tồn tại trong ít nhất hai giờ
Người dân tại thành phố Blagoveshchensk, nơi cách Belogorsk khoảng 115 km, cũng nhìn thấy thiên thạch.
Vật thể không phá hủy bất kỳ thứ gì trên mặt đất và ngay cả những khung cửa sổ cũng không rung lắc.
Trước đó, ngày 15/2/2013, một khối thiên thạch từ vũ trụ lao xuống vùng Chelyabinsk thuộc miền Trung nước Nga vào khoảng 9h sáng. Nó bốc cháy trong khí quyển, gây nên tiếng nổ lớn kèm theo ánh sáng chói lòa trên bầu trời. Vụ nổ khiến gần 1.200 người bị thương và gây thiệt hại vật chất hàng chục triệu USD. Xung chấn từ vụ nổ khiến hàng vạn cửa sổ trong vùng vỡ tan. Phần lớn nạn nhân bị thương nhẹ do các mảnh kính vỡ văng vào cơ thể.
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) nhận định rằng thiên thạch rơi tại Nga có khối lượng tới 10.000 tấn, chiều rộng 17 m. Đường bay của nó tạo với mặt đất một góc 20 độ. Nó nổ tung ở độ cao 20-25 km, giải phóng khoảng 300 kiloton năng lượng, tương đương sức công phá của 20-25 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào năm 1945. Các chuyên gia của NASA khẳng định đây là vụ nổ thiên thạch lớn nhất trong vòng 100 năm qua.
Sức ép từ vụ nổ thiên thạch lớn đến nỗi 11 trong tổng số 45 trạm theo dõi sóng hạ âm của Tổ chức Hiệp ức Cấm thử hạt nhân toàn diện phát hiện nó.
Theo Yên Yên (RT)