Washington cần đưa bộ binh tới Syria để hỗ trợ cho chiến dịch không kích chống Nhà nước Hồi giáo IS - vốn không hiệu quả dù đã đạt được một số tiến bộ. Bộ trưởng Không quân Mỹ còn thừa nhận rằng "bộ binh" là cần thiết để "chiếm" và "tiếp quản" các khu vực của Syria.
Trong bình luận được đưa ra, Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah Lee James nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu nhưng cũng thừa nhận rằng các cuộc không kích cần được hỗ trợ từ bộ binh.
"Không lực là cực kỳ quan trọng. Nó có thể làm được nhiều thứ nhưng cũng có thể chẳng làm được gì", bà James nói. Những bình luận này được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter ủng hộ việc "sẵn sàng làm nhiều hơn" trong việc đưa bộ binh tới Syria của Tổng thống Obama.
"Cuối cùng thì không quân không thể chiếm lãnh thổ và quan trọng là nó không thể quản lý lãnh thổ. Đây là lý do khiến chúng ta cần phải đưa bộ binh tới. Chúng ta cần có bộ binh để thực hiện chiến dịch này", bà James nói với các phóng viên tại triển lãm hàng không Dubai.
Khi bộ binh tới để hỗ trợ, Mỹ nên giúp đỡ "quân đội Iraq, quân Tự do Syria và người Kurd" trong cuộc chiến chống lại IS, bà James nói.
Tham gia cuộc họp báo do người đứng đầu Bộ chỉ huy trung tâm Không quân, Trung tướng Charles Q.Brown Jr, Bộ trưởng Không quân Mỹ cũng nói rằng Hoa Kỳ đã tìm cách đẩy nhanh tốc độ tiếp tế đạn dược cho các đồng minh trong chiến dịch chống IS ở Syria và Iraq.
"Đó là một thông điệp quan trọng mà tôi sẽ mang trở lại Washington và là điều mà chúng ta đang cố gắng đạt được", bà nói với các phóng viên.
Bộ trưởng Không quân Mỹ cho rằng Hoa Kỳ cần triển khai bộ binh tới Syria để hỗ trợ cho chiến dịch không kích IS. Ảnh: Reuters |
Tuần trước, Bộ trưởng Carter nói rằng Mỹ cần "nhiều hơn các cuộc không kích" để đánh bại IS ở Iraq và Syria.
"Tôi không nghĩ điều này là đủ. Tôi nghĩ chúng ta cần tìm cách làm nhiều hơn. Nhưng chiến lược cơ bản tại Iraq và Syria để đối phó với IS và đánh thắng IS về lâu dài là xác định việc huấn luyện, trang bị và tăng cường khả năng cho các lực lượng tại địa phương để họ có thể gìn giữ hòa bình", ông Carter nói.
Vào ngày 30/10, Nhà Trắng thông báo họ đang lên kế hoạch gửi không "quá 50 binh sĩ" (thuộc lực lượng đặc biệt) tới để cố vấn cho "phe đối lập ôn hòa" tại Syria.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nhấn mạnh rằng "các lực lượng này không có nhiệm vụ chiến đấu" đồng thời nói với các phóng viên rằng Mỹ đang thực hiện cam kết của mình một cách tốt nhất.
Theo một báo cáo từ kênh truyền hình vệ tinh Al Mayadeen của Lebanon, các cố vấn quân sự Mỹ đã tới Syria vào tuần trước và bắt đầu huấn luyện cho "những phiến quân ôn hòa" gần thành phố Salma, phía tây tỉnh Latakia.
Sự phát triển gần đây của sự việc đã mâu thuẫn với lời hứa năm 2013 của Tổng thống Obama đó là không đưa "bất cứ một binh sĩ Mỹ nào đến đất Syria" trong khi dẫn ra những vấn đề quan ngại về sự thất bại trước đó của chương trình huấn luyện và trang bị.
Lầu Năm Góc đã từ bỏ việc huấn luyện trong kế hoạch này hồi tháng 10 sau khi các quan chức cấp cao của chính quyền Obama thừa nhận rằng Mỹ chỉ đào tạo được một số ít các chiến binh mặc dù chương trình đã ngốn đến 500 triệu USD ngân sách.
Vào tháng 9, thông tin được tiết lộ cho thấy một nhóm các học viên đã đầu hàng, đem 1/4 số vũ khí, đạn dược và phương tiện được Mỹ hỗ trợ ra để đổi lấy việc được đi lại an toàn qua lãnh thổ do nhóm phiến quân liên kết với Al-Qaeda quản lý.
Ngân sách 500 triệu USD của chương trình đào tạo phiến quân năm 2015 là nằm ngoài con số 42 triệu USD mà Lầu Năm Góc đã chi năm 2014 để thiết lập chương trình.
Bảo Linh (Russia Today)