Không phải ông Trump đưa nước Mỹ ra ngoài hẳn mà tạo tình thế "chân trong, chân ngoài" cho Washington trên lĩnh vực này.
Điều mà thế giới lo ngại sẽ xảy ra, biết rằng sẽ xảy ra và hy vọng không xảy ra giờ đã xảy ra: Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút nước Mỹ khỏi .
Hiệp định này được 195 quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, thoả thuận và ký kết tại Paris (Pháp) hồi cuối năm ngoái và được coi là văn kiện có ý nghĩa lịch sử đối với nhân loại. Nó đã chính thức có hiệu lực cho dù vẫn còn có một số nước chưa phê chuẩn, như Nga.
Với quyết định nói trên, ông Trump xếp Mỹ đứng chung vào hàng ngũ tổng cộng có ba quốc gia không tham gia Hiệp định Paris là Nicaragua, Syria và Mỹ. Nicaragua không tham gia vì cho rằng Hiệp định Paris tốt nhưng chưa tốt đủ mức họ cần. Syria đứng ngoài vì ở đất nước này hiện vẫn có chiến tranh và nội chiến. Còn Mỹ đã tham gia rồi lại không tham gia vì cho rằng hiệp định này khiến Mỹ bị thua thiệt nhiều hơn và được lợi ít hơn những thành viên khác.
Theo Tổng thống Trump, Hiệp định Paris này "bất công ở mức cao nhất đối với nước Mỹ". Ảnh: Reuters
Về phía Mỹ, hiệp định này được chính quyền tiền nhiệm của ông Trump tham gia đàm phán, ký kết và phê chuẩn. Trong đó, Mỹ cam kết cho tới năm 2025 sẽ giảm 26% khối lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với năm 2005 và đóng góp 3 tỷ USD cho Quỹ Bảo vệ thiên nhiên (WWF) - đến nay Mỹ đã đóng góp 1 tỷ USD.
Hiệp định này không có tính ràng buộc đối với các bên tham gia. Khi vận động tranh cử Tổng thống ở Mỹ, ông Trump đã cam kết huỷ bỏ sự tham gia của Mỹ trong Hiệp định Paris.
Từ khi chính thức nhậm chức đến nay, ông Trump đã đề cử người cùng quan điểm với mình vào cương vị đứng đầu Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), đã dùng sắc lệnh hành pháp lật ngược Đạo luật năng lượng sạch - Clean Power Act - của người tiền nhiệm và trong dự toán ngân sách tới không chi gì nữa cho Quỹ Khí hậu xanh của Liên Hợp Quốc.
Vì thế, quyết định của ông Trump đưa nước Mỹ ra khỏi Hiệp ước Paris không bất ngờ và đột ngột mà logic.
Với quyết định này, ông Trump lại một lần nữa thực hiện một trong những cam kết tranh cử trọng tâm. Nó giúp ông Trump củng cố sự hậu thuẫn chính trị trong bộ phận cử tri ủng hộ mình. Ông Trump rất cần điều đó vì áp lực và khó khăn ngày càng gia tăng ở Mỹ.
Nhiều ý kiến trong và ngoài nước Mỹ lo ngại rằng việc Mỹ không tham gia Hiệp định Paris nữa gây nên tác động tâm lý và chính trị không hay ho chút nào cho công cuộc bảo vệ khí hậu trái đất của nhân loại, gây khó khăn cho các nước về tài chính và về lộ trình đạt được mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà Mỹ với 15% là nước sản xuất ra khối lượng lớn thứ 2, sau Trung Quốc.
Nhưng trên thực tế thì quyết định của ông Trump chưa làm thay đổi gì nhiều do những cam kết trong Hiệp định Paris hoàn toàn tự nguyện, không có tính ràng buộc và ở Mỹ từ 10 năm nay đã có xu hướng giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà không cần đến bất cứ hiệp định nào - nhờ năng lượng sạch và sự phá sản không gì ngăn cản được của những ngành công nghiệp sản sinh ra nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhất.
Ông Trump có quyết định nói trên một phần bởi ông không cho rằng khí hậu trái đất đã và đang biến đổi do con người gây ra, một phần còn vì những suy tính lợi ích khác. Điều này thể hiện ở cách thức ông Trump đưa nước Mỹ ra khỏi công cuộc bảo vệ khí hậu trái đất chung của nhân loại.
Ông Trump có hai cách để làm việc ấy.
Cách thứ nhất là đưa nước Mỹ ra ngay khỏi Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu. Công ước này được Mỹ tham gia từ năm 1992 và là nền tảng pháp lý cho toàn bộ quá trình bảo vệ khí hậu trái đất trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc từ đó đến nay.
Ngay đến cả Hiệp định Paris cũng dựa trên đó và có quy định rõ là những nước nào không còn tham gia công ước nói trên thì tự khắc không còn tham gia Hiệp định Paris. Thời gian được quy định để một thành viên ra khỏi Công ước là 1 năm. Lựa chọn đi lối đường này đơn giản và nhanh chóng hơn đối với ông Trump, về pháp lý lại không gặp trở ngại khi đảng Cộng hoà của ông Trump hiện kiểm soát cả lưỡng viện lập pháp ở Mỹ.
Cách thứ hai là cách mà ông Trump vừa lựa chọn. Hiệp định Paris có hiệu lực từ ngày 4/11/2016. Nó quy định các bên tham gia phải sau ít nhất 3 năm mới có thể ra khỏi hiệp định và sau đó ít nhất 1 năm thì việc ra khỏi mới có hiệu lực.
Như thế có nghĩa là sớm nhất thì đến ngày 4/11/2020 quyết định vừa rồi của ông Trump mới có tác dụng thực tế, tức là trong trọn thời gian nhiệm kỳ cầm quyền này của ông Trump, quyết định ấy chưa có tác dụng.
Trước đó một ngày ở Mỹ có cuộc bầu cử Tổng thống mới và về lý thuyết có khả năng ông Trump không tái đắc cử và người kế nhiệm có quan điểm về vấn đề biến đổi khí hậu ngược với ông Trump. Từ nay đến đó còn biết bao "nước chảy qua cầu", có biết bao thay đổi trên thế giới và ở nước Mỹ.
Từ nay đến đó, việc Mỹ tuyên bố rút lui có thể gây khó cho việc thực hiện Hiệp định Paris nhưng không thể cản trở. Các nước khác ý thức được rằng vì Mỹ không tham gia nữa thì lại càng phải thêm quyết chí, càng cần kiên định nỗ lực và càng phải đồng tâm nhất trí với nhau.
Không phải ông Trump đưa nước Mỹ ra ngoài hẳn mà tạo tình thế "chân trong, chân ngoài" cho Washington trên lĩnh vực này.
Trở lại là việc bất cứ khi nào cũng có thể làm được với nước Mỹ. Ông Trump muốn đàm phán lại hiệp định nhưng nhiều đối tác và cả Liên Hợp Quốc hiện không chấp nhận. Nhưng đàm phán về hiệp định mới vào thời điểm nào đó sau này lại là chuyện hoàn toàn khác và cũng rất có thể còn cần thiết nữa.
Không có Mỹ tham gia vào quá trình bảo vệ khí hậu trái đất theo khuôn khổ Liên Hợp Quốc, quá trình này gặp khó khăn nhưng các thành viên Liên Hợp Quốc không nên vì thế mà nản chí và tuyệt vọng.
Trái lại, nỗ lực phải tăng thêm và lòng tin phải được củng cố. Nhận thức là quá trình và sự tuỳ thuộc lẫn nhau vào môi trường sống trên trái đất rồi cũng sẽ đưa nước Mỹ trở lại quá trình ấy.
Theo Trí thức trẻ