Mỹ lo lắng rằng, nếu quan hệ của hai nước căng thẳng hoặc xảy ra xung đột, Nga sẽ cắt hệ thống cáp quang ngầm. Điều này sẽ gây tê liệt chính phủ, kinh tế xã hội các nước phương Tây.
Cáp quang ngầm đáy biển được coi là hệ thống huyết quản của thời đại công nghệ thông tin. Đây là hệ thống cơ sở hạ tầng mà cả kinh tế, chính phủ và nhân dân đều có sự phụ thuộc rất lớn. Giá trị thông tin thương mại mà hệ thống cáp này truyền đi mỗi ngày lên đến 10 nghìn tỷ USD, 95% thông tin toàn cầu có sự giúp đỡ của hệ thống này. Vì vậy, tầm quan trọng của hệ thống này là không thể phủ nhận.
Nhiều quan chức của cơ quan tình báo và phía quân đội Mỹ phát biểu trên tờ New York Time, cho biết Mỹ đang chú ý đến những hoạt động gần đây của hệ thống tàu ngầm và tàu gián điệp của Nga, đặc biệt là hoạt động lắp đặt hệ thống cáp ngầm dưới biển. Điều này khiến Washington vô cùng lo lắng. Họ lo lắng rằng, nếu quan hệ của hai nước căng thẳng hoặc xảy ra xung đột, Nga sẽ cắt hệ thống cáp quang ngầm. Điều này sẽ gây tê liệt chính phủ, kinh tế xã hội các nước phương Tây.
Phía Nga vẫn chưa có bất cứ động thái gì với thông tin này của tờ New York Time.
Yantar - tàu do thám hiện đại bậc nhất của hải quân Nga, có khả năng định vị, theo dõi các mục tiêu động lẫn cố định. Ảnh: internet. |
Do ai nói?
Theo New York Time, dưới góc độ cá nhân, hàng chục quan chức của các cơ quan tình báo cũng như quân đội Mỹ đã tiết lộ rằng, những hành động gần đây của hải quân Nga đã thu hút sự chú ý của phía Mỹ.
Tư lệnh hải quân Mỹ Mark Ferguson cho biết, tần suất hoạt động của các tàu tuần tra Nga năm nay đã tăng gần 50% so với năm ngoái. Ngoài ra, Nga đã dành 2,4 tỷ USD để mở rộng hạm đội Biển Đen và nghiên cứu chế tạo tàu ngầm không người lái có trang bị vũ khí hạt nhân tại căn cứ quân sự tại Bắc Cực.
Mark Ferguson nói, các dấu hiệu hiện nay cho thấy, những hành động như vậy của hải quân Nga trong thập kỷ qua là khá hiếm thấy. Một quan chức ngoại giao yêu cầu giấu tên của NATO cũng cho biết : “Mức độ hoạt động gần đây (của hải quân Nga) có thể so sánh tương đương với thời kì chiến tranh Lạnh”.
Một số quan chức giấu tên của Mỹ cho biết, Mỹ rất quan tâm về việc gần đây tàu ngầm của hải quân Nga đang tăng cường những hoạt động trên biển. Tàu ngầm Nga đang tiến hành lắp đặt cáp quang ngầm trong khu vực biển Đại Tây Dương, Đông Bắc Á và khu vực lân cận Mỹ.
Phía Mỹ cũng cho biết, một tàu gián điệp tên “Yantar” của Nga đã xuất hiện tại vùng biển giữa Cuba và Florida vào tháng trước. Khu vực này có một đường dây cáp quang ngầm. Hệ thống cáp này trực tiếp kết nối với căn cứ quân sự của hải quân Mỹ tại Guantánamo. Thông tin cũng cho biết, tàu gián điệp này được trang bị hai tàu ngầm loại nhỏ, có khả năng lặn cắt hệ thống cáp quang ngầm.
Chỉ huy hạm đội hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương Frederick Roger cho biết : “Ngày nào tôi cũng lo lắng về những việc làm của Nga”.
Mỹ lo lắng điều gì?
Chuyên gia nghiên cứu cáp quang ngầm Michael Sigg Rist cho biết, hệ thống cáp quang ngầm thường xuyên bị hư hỏng. Nguyên nhân rất đa dạng: có thể đứt do neo tàu; cũng có khi hư hỏng do thiên tai như lốc, sóng thần. Nhưng những việc này thường xảy ra tại vùng biển cách bờ vài km nên có thể xử lý và khắc phục trong vài ngày.
Ông Sigg Rist nói, điều mà Washington lo lắng là Nga sẽ cắt đường cáp quang ngầm tại vùng biển nước sâu. Vì việc tìm kiếm đoạn đứt gẫy của hệ thống cáp tại khu vực này là vô cùng khó khăn, công việc khắc phục còn khó khăn hơn nữa.
Ông cho biết, Mỹ nghi ngờ phía Nga đang tìm kiếm hệ thống cáp quang bí mật của hải quân Mỹ. Đây cũng chính là hệ thống cáp truyền tải cáp thông tin tình báo quân sự.
Mỹ lo lắng Nga "xâm lấn" hệ thống cáp quang |
Ông Sigg Rist tiết lộ, hệ thống cáp thông tin thông thường có thể dễ dàng tìm thấy. Nhưng vị trí của những hệ thống cáp bí mật này rất khó có thể phát hiện, “Không thể tìm thấy trên bản đồ thông thường”.
Theo bình luận của tờ New York Time, hiện nay vẫn chưa có những chứng cứ chứng minh hành động cắt cáp quang của phía Nga. Nhưng Mỹ không thể không đề phòng những hành động liên tiếp của quân đội Nga, bao gồm quân đội Syria.
Người phát ngôn hải quân Mỹ, ông William Marks cho biết: “Bất cứ quốc gia nào phá hoại hệ thống cáp thông tin đều đáng lo lắng.Tuy nhiên, do bản chất của hoạt động tàu ngầm là bí mật, nên chúng tôi không muốn đề cập chi tiết.”
Nghiêm Thu (Theo Xinhuanet)