Sự thay đổi nhanh chóng trong quan hệ Mỹ - Trung chắc chắn có những tác động mạnh mẽ tới các vấn đề hợp tác và phát triển của khu vực.
Trong giai đoạn tranh cử cũng như trong những ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng nhiều lời lẽ cứng rắn của mình đối với Trung Quốc.
Nhiều người cho rằng một giai đoạn căng thẳng mới trong quan hệ có thể xảy ra nếu Donald Trump làm như những gì ông ta nói. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ - Trung đang có dấu hiệu nồng ấm hơn.
Trong quá trình tranh cử Tổng thống, Donald Trump đã công khai chỉ trích, nạt nộ Trung Quốc.
Ông từng nói: "Có những người không muốn tôi coi Trung Quốc là kẻ thù. Trung Quốc đúng là kẻ thù. Họ đã và đang phá huỷ nền công nghiệp của chúng ta, …."; "Họ là kẻ cướp lớn nhất trong lịch sử thế giới, …, họ đã cướp công ăn việc làm của chúng ta". Và để kháng cự, ông Trump đe doạ "sẽ dùng thuế, mức thuế cần phải là 45%" đối với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trên lĩnh vực an ninh, Donald Trump cũng đã tỏ thái độ bất bình về việc Trung Quốc xây, bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo trên khu vực Biển Đông và bóng gió rằng "đó là di sản của ông Obama", hàm ý rằng ông không chấp nhận vấn đề đó.
Trump cũng quy kết Trung Quốc chưa làm đủ để ngăn chặn chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Ông từng viết trên Twitter rằng: "Trung Quốc đã hưởng lợi rất lớn từ thương mại với Mỹ, nhưng chẳng giúp đỡ gì Mỹ trong vấn đề Triều Tiên".
Với những lời lẽ cứng rắn như vậy, quan hệ Mỹ - Trung được cho là sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng mới dưới thời của Tổng thống Donald Trump.
Trong 100 ngày đầu với tư cách là ông chủ Nhà trắng, ông Trump đón tiếp ba nguyên thủ nước ngoài quan trọng. Đó là: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Đức Angela Markel, và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong ba cuộc gặp gỡ này, ông Trump thấy vui nhất là cuộc gặp với Tập Cận Bình (ngày 7/4).
Trump cho cuộc gặp với ông Tập là "thẳng thắn" và "tích cực", và nhận xét rằng cuộc hội đàm song phương Mỹ - Trung lần này đã đạt được bước tiến bộ "ghê gớm" (tremendous progress).
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: CNN
Quan hệ Mỹ - Trung tiến triển rõ sau hội đàm Trump - Tập
Thông tin về cuộc gặp Trump - Tập không được tiết lộ, nhưng gần đây, các nguồn tin cho thấy những lời lẽ tán dương của Tổng thống về cuộc gặp Mỹ - Trung tại Florida là hoàn toàn có lý.
Hai kết quả của cuộc gặp gỡ này là: i) Trung Quốc đồng ý hợp tác với Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên; và ii) hai nước đạt được thoả thuận 10 điểm tăng cường hợp tác kinh tế song phương.
Sau cuộc gặp tại Floria, Trung Quốc đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Triều Tiên, ủng hộ Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng (trước đây vẫn bỏ phiếu trắng), thảo luận với Mỹ về các biện pháp trừng phạt mới với Triều Tiên, cắt đứt một số kênh buôn bán song phương với Triều Tiên.
Thoả thuận 10 điểm về hợp tác kinh tế Mỹ - Trung tập trung chủ yếu vào việc mở cửa thị trường song phương cho đẩy mạnh buôn bán hàng hoá và dịch vụ của hai nước cũng như thúc đẩy đầu tư.
Tuy nhiên, thoả thuận thứ 10 là một điểm đáng lưu ý cho thấy quan hệ song phương Mỹ - Trung có những thay đổi đáng kể, đó là việc Mỹ công nhận sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc mà trước đây Tổng thống Barack Obama nhiều lần phản đối.
Nội dung của điểm thứ 10 là: "Mỹ công nhận tầm quan trọng của sáng kiến 'Vành đai và Con đường' của Trung Quốc và Mỹ sẽ cử một đoàn quan chức tới tham dự Diễn đàn 'Vành đai và Con đường' tại Bắc Kinh vào ngày 14 - 15/5".
Nhìn chung, quan hệ Mỹ - Trung trong giai đoạn gần đây đang có những chuyển động rất nhanh. Hai nước đang hướng tới sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề kinh tế và an ninh tại khu vực Đông Bắc Á.
Trump đã không kìm nén được ấn tượng với Tập Cận Bình và ông nói: "Tôi nghĩ trong tương lai lâu dài chúng tôi sẽ có mối quan hệ rất, rất tuyệt vời và tôi rất mong muốn hướng tới mối quan hệ đó".
Sự thay đổi nhanh chóng trong quan hệ Mỹ - Trung chắc chắn có những tác động mạnh mẽ tới các vấn đề hợp tác và phát triển của khu vực.
Hợp tác Mỹ - Trung giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cần được hoan nghênh, nhưng câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ rằng liệu hợp tác Mỹ - Trung về vấn đề Triều Tiên có ảnh hưởng tới các vấn đề an ninh khác của khu vực hay không?
Hồi trung tuần tháng 2/2017, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đề nghị cho phép tàu chiến Mỹ thực hiện tuần tra thường kỳ trong phạm vi 12 hải lý tại khu vực các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên biển Đông, nhưng Donald Trump và Lầu Năm Góc đã từ chối.
(Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại)