Người dân Mỹ sẽ sớm nhận được cảnh báo nhờ hệ thống truyền tín hiệu khẩn cấp qua truyền hình và đài radio. Tuy nhiên, hệ thống này không phải lúc nào cũng sẵn sàng và có hiệu quả.
Trung tâm Điều hành của Bộ Chỉ huy phòng thủ không gian Bắc Mỹ. tại Colorado. Ảnh: Bettmann/Getty Images
Hệ thống cảnh báo toàn quốc
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu nước Mỹ chuẩn bị bị tấn công bởi vũ khí hạt nhân?
Theo trang History, người dân Mỹ sẽ sớm nhận được cảnh báo nhờ hệ thống truyền tín hiệu khẩn cấp qua truyền hình và đài radio. Tuy nhiên, hệ thống này không phải lúc nào cũng sẵn sàng và có hiệu quả.
Đáng lưu ý, ngày 20/2/1971, một bài thử nghiệm hệ thống cảnh báo đơn giản đã khiến người dân cả nước Mỹ nghĩ rằng họ chuẩn bị hứng chịu một cuộc tấn công hạt nhân thực sự.
Từ năm 1951, Mỹ đã phát triển phương thức cảnh báo người dân về những tình huống khẩn cấp bằng cách tận dụng các trạm radio và cái đài phát sóng TV sẵn có. Hệ thống này có nguồn gốc từ nỗi lo ngại từ thời Chiến tranh Lạnh.
Khi mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô bình thường hóa trở lại, các quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định tạo ra một hệ thống không chỉ cho phép các quan chức Mỹ thông tin nhanh chóng tới người dân, mà còn có khả năng gây nhiễu hệ thống liên lạc của máy bay kẻ thù trong không phận.
Trung tâm Cảnh báo Quốc gia thuộc Bộ Chỉ huy phòng thủ không gian Bắc Mỹ - nằm sâu trong núi Cheyenne tại tiểu bang Colorado. Ảnh: Lyn Alweis/The Denver Post
Với tên gọi Kiểm soát Bức xạ Điện từ (CONELRAD), hệ thống này được thiết kế để tạm ngừng phát sóng các đài radio của Mỹ, sau đó chọn lọc những đài quan trọng để phát đi thông tin quốc phòng cho thường dân nhằm tránh việc các máy bay địch dùng sóng radio để định hướng trong cuộc tấn công.
Năm 1963, CONELRAD được nâng cấp thành Hệ thống Phát thanh Khẩn cấp (EBS), có thể dùng trong trường hợp báo động an ninh quốc gia và cả cho việc truyền tin lúc có thảm họa thiên nhiên, thời tiết ở cấp địa phương.
Nếu có báo động cấp quốc gia, Trung tâm Cảnh báo Quốc gia thuộc Bộ Chỉ huy phòng thủ không gian Bắc Mỹ - nằm sâu trong núi Cheyenne tại tiểu bang Colorado - sẽ kích hoạt hệ thống EBS và chỉ sau 10 phút chuẩn bị, tổng thống Mỹ đã có thể gửi đi thông điệp tới mọi người dân trên đất nước.
Ít nhất về mặt lý thuyết, đó là cách thức hoạt động và cảnh báo hiệu quả.
Sai sót tai hại
Hệ thống này được kiểm tra vào sáng thứ Bảy hàng tuần.
Nhưng vào thứ Bảy ngày 20/2/1971, một thông điệp "thật" đã được gửi tới khắp mạng lưới các trạm radio và TV.
Thông điệp ghi: "Tin nhắn xác thực: sự hận thù, sự hận thù". "Sự hận thù" là mật mã đặc biệt để các đài truyền hình xác nhận tình huống khẩn cấp và biết rằng đây không phải là tình huống diễn tập.
"Đây là thông báo hành động khẩn cấp (EAN) được Tổng thống Mỹ ra lệnh. Các chương trình truyền hình phổ thông sẽ ngừng phát sóng ngay lập tức".
Bộ máy truyền thông bắt đầu hoạt động. Họ ngắt quãng chương trình thông thường và đọc một lệnh đặc biệt theo chỉ thị của cơ quan liên bang để thông báo tới khán giả rằng TV và radio đang hành động trong tình huống khẩn cấp theo yêu cầu của chính phủ. Tuy vậy, mặc dù yêu cầu người dân bình tĩnh, chính các phát thanh viên lại "hoảng sợ" nhất.
Bản tin phát sóng tin khẩn cấp vào ngày 20/2/1971. Phát thanh viên đã nhiều lần yêu cầu khán giả không gọi điện hỏi dồn dập.
"Một vài đài đưa ra thông báo và ngừng sóng như yêu cầu. Một số trạm không đưa cảnh báo cho tới lúc mọi chuyện đã lắng xuống. Một vài nơi khác ngừng phát chương trình nhưng phát thanh viên không đủ bình tĩnh để đọc lời cảnh báo", trang History thuật lại.
Sự hỗn loạn cũng xảy ra ngay bên ngoài các trạm radio. Nhiều thính giả liên tục gọi về các trạm radio địa phương để biết chuyện gì đang xảy ra. Những người khác tụ tập quanh TV, lo sợ điều đáng ngại nhất: một cuộc tấn công hạt nhân từ Liên Xô vì những động thái của Mỹ tại các nước khác trên thế giới.
Cùng lúc, các quan chức Mỹ vẫn chưa hiểu chuyện gì đang diễn ra. Chuông điện thoại tại Lầu Năm Góc liên tục reo và các tổng đài viên phải giải thích sự cố cho những quan chức cấp cao khác. Khi trung tâm cảnh báo nhận ra sai sót nghiêm trọng của mình, họ cố tìm từ khóa bí mật để kích hoạt quy trình dừng toàn bộ hệ thống phát sóng. Họ thử 6 lần và đều thất bại.
Cuối cùng, sau hơn 40 phút, Văn phòng Quốc phòng Dân sự đã tìm được từ khóa và gửi tin nhắn hủy bỏ tới các đài truyền hình. Cuộc thử nghiệm - và thất bại - của hệ thống EBS kết thúc.
Tên lửa đạn đạo trong màn diễu hành quân sự tại Quảng trưởng Đỏ, Moskva những năm 1960. Ảnh: Sovfoto/UIG
Các chương trình lại tiếp tục được phát sóng và người dân Mỹ thở phào nhẹ nhõm.
Sau này, cơ quan Quốc phòng Mỹ giải thích rằng một người điều hành tại núi Cheyenne đã có nhầm lẫn và đưa đặt nhầm băng vào máy truyền tin.
Các đài truyền hình nổi giận và cho rằng "toàn bộ hệ thống này không thể hoạt động hiệu quả". Trả lời UPI, một nhân viên truyền hình cho biết "nước Mỹ đã có thể bị tấn công bằng bom hạt nhân với những nhầm lẫn như thế này".
Công chúng cũng rất tức giận bởi rõ ràng hệ thống liên lạc toàn quốc không hoàn hảo như lý thuyết. Tờ New York Times viết: "Liệu sai sót do con người - kể cả ở Mỹ hay tại Liên Xô - có khiến hai nước dùng vũ khí tấn công lẫn nhau hay không? Hệ thống cảnh báo của Mỹ thật thiếu năng lực và không có sự chuẩn bị kĩ càng".
Sau đó, các sĩ quan Mỹ đã thay đổi cách thức triển khai thử nghiệm hệ thống cảnh báo. Ngôn ngữ được sử dụng cũng thay đổi và Hệ thống Cảnh báo Khẩn cấp tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện hơn vào năm 1997.