Ngày 16/3, người đứng đầu Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc thông báo nước này đã thiết lập một trung tâm cảnh báo sóng thần trên Biển Đông, một động thái nhằm củng cố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh đối với vùng biển này.
Theo Reuters, phát biểu trước các phóng viên bên lề cuộc họp thường niên của quốc hội Trung Quốc, Wang Hong, người đứng đầu Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc nói rằng, mặc dù đang trong quá trình xây dựng, song trung tâm cảnh báo sóng thần này đã bắt đầu hoạt động.
"Chúng tôi đã bắt đầu phát cảnh báo sóng thần cho cộng đồng quốc tế, bao gồm cả các quốc gia xung quanh khu vực Biển Đông", ông Wang nói.
"Hợp tác Biển Đông là một trong những trọng tâm của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng có thể hợp tác cùng các quốc gia quanh Biển Đông và tạo ra một vùng biển hòa bình, ổn định", ông Wang nói thêm.
Bài báo của Reuters cho rằng, trung tâm cảnh báo sóng thần này là một bước tiến mới với ý định mờ ám của Bắc Kinh trên Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh trung Quốc có nhiều hành vi thể hiện mưu đồ quân sự hóa Biển Đông trong thời gian gần đây.
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc hoạt động trái phép trên biển Đông Ảnh: Reuters |
Trước hết, ý tưởng về trung tâm cảnh báo sóng thần của Trung Quốc không phải là một cái gì mới mẻ và thực tế đã được triển khai trên thế giới trong nhiều năm qua. Sau thảm họa sóng thần tàn phán Ấn Độ Dương năm 2004, cướp đi sinh mạng của khoảng 230.000 người tại 14 quốc gia, Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã thông qua Ủy ban Hải dương liên chính phủ (IOC) để thiết lập Hệ thống Cảnh báo và Giảm nhẹ sóng thần Thái Bình Dương (PTWS), một mạng lưới để trao đổi dữ liệu nhằm phát hiện sóng thần nhanh chóng. Trong hệ thống này, các trung tâm cảnh báo được thiết lập để phát đi cảnh báo đến các nước khác nhau trong khu vực. Chẳng hạn, những khuyến cáo về Biển Đông đã được phát trên Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương (PTWC), có trụ sở tại Hawaii và Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) có trụ sở tại Tokyo.
Trung Quốc sau đó đã công khai đề xuất được xây dựng trung tâm cảnh báo sóng thần riêng của mình tại các cuộc họp tiếp theo của Liên Hợp Quốc. Tháng 9/2013, như đã được thông báo trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, đề nghị xây dựng trung tâm cảnh báo của Bắc Kinh được LHQ phê duyệt và do Trung tâm Dự báo khí hậu biển quốc gia Trung Quốc chịu trách nhiệm xây dựng. Công trình này tương tự với trung tâm cảnh báo mà Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông. Như vậy, Trung Quốc đã vin vào cớ mạng lưới PTWS để tiến hành xây dựng trung tâm mới trên Biển Đông.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhìn từ trên cao. Ảnh: People's Daily. |
Thứ hai, trung tâm cảnh báo sóng thần thường không bao gồm một vùng nước nhất định, và trung tâm mới của Trung Quốc cũng sẽ không chỉ hoạt động ở riêng mình Biển Đông. Ví dụ, Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương (PTWC) của Mỹ làm nhiệm vụ cảnh báo sớm cho các nước ở Thái Bình Dương, Biển Đông và cả vùng biển Caribbean, trong khi Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cũng đưa ra cảnh báo cho vùng Tây Thái Bình Dương và Biển Đông. Tính đến thời điểm này, theo Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc, trung tâm cảnh báo sóng thần Trung Quốc sẽ không chỉ hoạt động ở riêng Biển Đông, mà còn cả vùng biển Sulu và Sulawesi.
Cuối cùng, Bắc Kinh có thể sử dụng trung tâm cảnh báo sóng thần này để "củng cố quyền tài phán của mình" trong vùng biển tranh chấp, và điều này hoàn toàn phù hợp với sự quyết đoán ngày càng cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Và sớm muộn gì, Bắc Kinh cũng sẽ công bố trung tâm cảnh báo sóng thần này như một phần của hàng loạt "dịch vụ công", tương tự như những gì mà Tư lệnh hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi tuyên bố vào năm ngoái. "Dịch vụ công" ở Biển Đông mà Trung Quốc thông báo bao gồm cả việc cải tạo phi pháp và triển khai thiết bị quân sự đến Biển Đông. Theo tuyên bố của Ngô Thắng Lợi, các hoạt động Dự báo thời tiết và tìm kiếm cứu nạn trên biển đều là "dịch vụ công".
Một số quan điểm cho rằng, có khả năng trung tâm cảnh báo sóng thần sớm của Trung Quốc sẽ chỉ đơn thuần là hoạt động cảnh báo như những gì mà các trung tâm khác trên thế giới vẫn làm. Tuy nhiên, những động thái ngang ngược, bất chấp dư luận gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, một trung tâm cảnh báo mới mọc lên chính là dấu hiệu cho sự "quyết đoán" ngày càng mạnh mẽ trong việc theo đuổi yêu sách chủ quyền phi lý tại một trong những tuyến thương mại hàng hải sầm uất nhất thế giới.
Xem thêm video tàu chỉ huy Mỹ nhận tiếp tế trên Biển Đông:
[mecloud]exT0zwJQQ2[/mecloud]
Lê Huyền (The Diplomat)