Trong nghiên cứu mới có tên Dự án So sánh Mô hình Dải băng (ISMIP6), hơn 60 chuyên gia đã đưa ra ước tính về các dải băng tan treen Trái đất ảnh hưởng nhiều như thế nào đến mực nước biển toàn cầu vào năm 2100.
Các dải băng ở Nam Cực rất nhạy cảm với nhiệt độ đại dương ấm lên. Ảnh: NASA
Đáng lo ngại, kết quả chỉ ra nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng, các dải băng ở Greenland và Nam Cực có thể đóng góp thêm 38 cm mực nước biển dâng. Sophie Nowicki, một nhà khoa học về băng tại ĐH Buffalo, người đứng dầu nghiên cứu nói: "Một trong những điều không chắc chắn lớn nhất khi nói đến mực nước biển tăng bao nhiêu trong tương lai là các dải băng sẽ đóng góp bao nhiêu. Và các dải băng đóng góp bao nhiêu phụ thuộc vào khí hậu".
Các dải băng tan có thể khiến mực nước biển toàn cầu dâng 38cm vào năm 2100. Ảnh: Getty
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã điều tra 2 kịch bản khác nhau đối với dải băng Greenland. Một kịch bản có lượng khí thải carbon tăng nhanh, kịch bản còn lại là lượng khí thải carbon thấp hơn. Đối với lượng phát thải cao, họ phát hiện ra dải băng ở Greenland sẽ khiến mực nước biển dâng thêm khoảng 9cm vào năm 2100. Trong khi đó, lượng phát thải thấp, băng tan sẽ làm mực nước biển dâng khoảng 3cm.
Nhóm cũng phân tích dải băng ở Nam Cực để hiểu băng tan do biến đổi khí hậu sẽ làm mực nước biển tăng như thế nào. Kết quả cho thấy trong điều kiện ấm nhất, băng tan ở Nam Cực có thể góp phần làm mực nước biển dâng 18 cm.
Helene Seroussi, một nhà khoa học về băng tại Phòng thí nghiệm Lực đẩy Phản lực của NASA cho biết: "Vùng biển Amundsen tại Tây Nam Cực và vùng Wilkes ở Đông Nam Cực là 2 vùng nhạy cảm nhất với nhiệt độ nước biển đang ấm lên và dòng chảy thay đổi. Hai vùng sẽ tiếp tục mất đi một lượng lớn băng. Với những kết quả mới này, chúng tôi có thể tập trung nỗ lực theo hướng chính xác và biết cần làm gì để cải thiện các dự báo".