Giờ đây, sau khi thực hiện việc thoát nước của hồ Resia, vùng Nam Tyrol, miền bắc Italy, ngôi làng Curon lại sừng sững tái xuất. Dấu hiệu duy nhất cho thấy 163 ngôi nhà từng bị nhấn chìm của Curon là một chóp nhà thờ thế kỷ 14 nhô lên từ hồ chứa. Việc thoát nước đã để lộ ra những tàn tích kỳ lạ bên dưới sau nhiều thập kỷ.
Bất chấp sự phản đối của cư dân, chính quyền vẫn xây dựng hồ nước nhân tạo này để cung cấp năng lượng thủy điện cho các ngành công nghiệp ở miền bắc Italy và ngôi làng bị hy sinh. Curon nằm giáp với Áo, Thụy Sĩ và có nghĩa rất nhiều cư dân không nói được tiếng Italy. Do đó, ban đầu người dân nghĩ rằng hồ nước mới chỉ sâu 5m và làng của họ sẽ được an toàn. Tuy nhiên, thông báo bằng tiếng Italy được đưa vào làng nói rằng hồ nước thực sự sẽ sâu 22m, nhấn chìm tất cả các ngôi nhà.
Năm 1940, khoảng 1.000 cư dân của Curon được cho 10 năm để tái định cư. Họ chuyển đến chỗ ở tạm thời gần đó và được hỗ trợ một khoản tiền ít ỏi, bù đắp cho việc mất nhà cửa và sinh kế.
Khoảng 400 dân làng đã tạo ra một ngôi làng mới gần đó, số còn lại chuyển đi chỗ khác. Hồ Resia nhanh chóng trở thành điểm thu hút khách du lịch, trong đó có tháp nhà thờ bị bỏ hoang nhô lên ở giữa. Du khách và dân địa phương có thể đến đây để chụp những bức ảnh ma quái.
Ngôi làng Curon đã truyền cảm hứng cho một cuốn tiểu thuyết siêu nhiên và một loạt phim Netflix mang tên "Curon". Và địa điểm nổi tiếng nhất chính là tòa tháp kỳ lạ mọc lên từ hồi Resia.
(Theo Mirror)