Tối 11/9, trên sân Hàng Đẫy, khi trận đấu giữa Hà Nội FC và Nam Định đang diễn ra thì một quả pháo sáng bất ngờ được bắn sang từ khán đài của nhóm CĐV Nam Định khiến một cổ động viên nữ của CLB Hà Nội ở khán đài A bị trọng thương.
Theo thông tin từ Bệnh viện Xanh Pôn, nữ CĐV được đưa tới cấp cứu với tổn thương vùng đùi trái. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán người này bỏng nặng, và vết bỏng vào tới xương. Theo các bác sĩ, nữ CĐV này nhiều khả năng phải trải qua 2 cuộc phẫu thuật để xử lý vết thương.
Nạn nhân bị pháo bắn trúng là nữ nhà báo Tô Huyền Anh PV của báo Nhi Đồng mất nhiều máu, liên tục hô hoán sự giúp đỡ. Sự việc diễn ra khiến những người xung quanh cũng vô cùng hoảng sợ.
Bác sĩ cũng xuất hiện kịp thời để thực hiện thao tác cứu chữa cho nạn nhân. Ngay sau đó, nữ CĐV này đã được đưa vào viện bằng xe cấp cứu.
Trước sự quá khích của khán giả đội khách, Trung đoàn CSCĐ thuộc Công an Hà Nội đã phải tăng cường thêm nhiều tiểu đội để giữ an ninh trật tự khu vực quanh sân Hàng Đẫy lẫn phía trong sân phòng trường hợp vỡ sân.
Sau vụ bắn pháo sáng trúng khán giả trên sân Hàng Đẫy, trên Infonet dẫn lời một chỉ huy Trung đoàn CSCĐ, Công an Hà Nội cho biết, Công an quận Đống Đa đã vào cuộc xác minh. Công an TP Hà Nội cũng yêu cầu cơ quan này điều tra rà soát, nhanh chóng tìm ra người bắn pháo để xử lý.
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Theo quy định của pháp luật thì pháo sáng không được Nhà nước cho phép sử dụng vì có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.
Việc cổ động viên mang pháo sáng và sử dụng trong sân vận động Hàng Đẫy có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 2 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm.
Ngoài ra, luật sư Thơm cũng cho biết, việc CĐV sử dụng pháo sáng bắn từ khán đài B sang khán đài A làm 1 phụ nữ bị thương đã xâm phạm đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ. Việc làm này có dấu hiệu phạm tội "Cố ý gây thương tích", tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 134 BLHS.
"Pháp luật buộc công dân phải nhận thức được việc sử dụng pháo sáng bắn vào người khác là hành vi gây nguy hiểm đến sức khỏe của người khác. Hậu quả xảy ra đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó. Tỷ lệ thương tích của người bị hại sẽ là căn cứ xử lý tương ứng với định khung hình phạt theo Điều 134 BLHS...", trên Trí thức trẻ dẫn lời luật sư Thơm nói.