Sau khi liên tiếp có những ca bệnh dương tính với Covid-19 xuất hiện trở lại ngoài cộng đồng, UBND thành phố Đà Nẵng đã đưa ra quyết định thực hiện lệnh phong toả 3 bệnh viện và cách ly xã hội tại các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn để phòng dịch Covid-19 từ 0h ngày 28/7.
Hàng ngàn người ngày đêm đang ở 'tâm dịch' đối mặt với nguy hiểm và những thiếu thốn vật dụng là hiển nhiên. Vì vậy, nhiều người dân còn không ghi cả địa chỉ nhận, chỉ ghi dòng chữ "mong ai cần sẽ có dùng" hoặc tên khoa, phòng rồi đặt ở đó nhờ các ca trực gác chuyển vào. Ảnh: Tuổi trẻ
Thức dậy từ hơn 3h sáng, bà Nguyễn Thị Trà Liên (56 tuổi, quận Hải Châu) đã đánh vật với những chiếc nồi cơm to hơn cả vóc dáng của bà. Ở quán ăn Hiếu Hạnh mà ngày thường gia đình bà vẫn buôn bán mưu sinh, chiếc bảng "Nghỉ bán vì dịch COVID-19" được treo lên ngoài quán.
Chỉ tạm 14 ngày thôi, mong tất cả sẽ cố gắng mạnh mẽ để chiến đấu với dịch bệnh. Ảnh: TT
Bà Liên là trưởng nhóm thiện nguyện Hiếu Hạnh, cùng với CLB Bếp Cơm Vạn Tình và nhóm Tình Nguyện Trẻ Đà Nẵng cùng bắt tay nhau trong "chiến dịch" tiếp sức cho khu vực phong tỏa. Sau lời kêu gọi trên mạng xã hội, cả 3 nhóm thiện nguyện đã huy động hàng trăm triệu đồng tiền mặt cùng nhu yếu phẩm từ người dân Đà Nẵng và các nơi gửi về.
Hơn 10h30, một số tình nguyện viên lái xe chuyển những suất cơm nóng hổi, hàng chục thùng nước đóng chai, trái cây, sữa, bánh đến cổng Bệnh viện C. Như nhóm đã tìm hiểu thì đây là những gì người bên trong khu cách ly cần nhất lúc này.
Dù chỉ là những lời chúc ngắn ngủi nhưng cũng đủ tiếp thêm động lực cho những người đang phải đối mặt với hiểm nguy để bảo vệ sự an toàn cho Đà Nẵng.
Trưa 29/7, 400 suất cơm trưa đã được ông Phạm Lê Văn Long - chủ của chuỗi nhà hàng có tiếng ở Đà Nẵng, cùng các nhân viên cũng được trao cho đội ngũ làm nhiệm vụ để chuyển đến các bác sĩ, nhân viên y tế đang cách ly ở Bệnh viện Đà Nẵng. Vào chiều cùng ngày, nhà hàng của ông Long sẽ tiếp tục cung cấp 400 suất cơm cho các bác sĩ, nhân viên tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Ai cũng mong rằng với sự quyết tâm và đồng lòng, chúng sẽ tiếp tục chiến thắng đại dịch như những gì đã làm được cách đây hai tháng. Ảnh: FB
Theo ông Long, sau khi có thông báo về giãn cách xã hội, hệ thống gồm 6 nhà hàng của công ty ông đã đóng cửa. Lúc này, ông Long nhận được điện thoại của một bác sĩ đề nghị hỗ trợ một số suất ăn. Vậy là ông chủ và các nhân viên bắt tay vào làm ngay.
Nước hoa quả, trà sữa, đồ ăn nhẹ lúc nào cũng sẵn sàng để gửi tới đội ngũ phòng dịch. Ảnh: FB
Bạn Hoàng Phi, một thành viên của đội dân quân thực hiện việc canh gác tại các khu vực bị cách ly chia sẻ lại: 'Cứ 5 phút là lại có người dân mang đồ ăn, thức uống đến cho bọn mình. Nhiều bạn trẻ còn vắt nước cam, nước chanh tươi để tiếp sức cho bọn mình mỗi ngày. Một số cô chú đi qua chỗ bọn mình gác còn hỏi vọng vào xem bọn mình có ăn gì không để các cô mua cho.
Thực sự, những gì mọi người làm khiến chúng tớ cảm thấy cảm động và vui lắm, mọi mệt mỏi dường như tan biến hết. Chúng tớ chỉ mong dịch mau qua để trả lại thành phố Đà Nẵng xinh đẹp, bình yên.'