Bị mắc kẹt một mình ở Johannesburg, nhà văn, nhiếp ảnh gia Amanda Jones đã gặp một người được ví như "tắc kè hoa", người thực sự dạy cho cô một bài học khắc cốt ghi tâm.
Đài BBC của Anh đã đăng tải bài viết của Amanda Jones, chia sẻ câu chuyện thú vị mà cô đã trải qua ở nơi này.
Trong hành trình từ Niger tới Kenya, Amanda đã bị mắc kẹt tại sân bay Johannesburg của Nam Phi. Tại đây, cô đã gặp một người đàn ông lạ lùng, có “vạn năng” ở sân bay.
Trong khi đang lo lắng vì bị lỡ chuyến bay, có khả năng kẹt lại thành phố này mà không có tiền thuê khách sạn, người đàn ông đến cạnh Amanda và đề nghị được giúp đỡ.
Nhà văn Amanda đã gặp một người đàn ông lạ mặt ở sân bay. Anh sẵn sàng giúp đỡ cô. Ảnh minh họa: Getty |
Người này tầm 20 tuổi, có lẽ ít hơn Amanda 10 tuổi. Anh ta thấp bé, da nâu, nói giọng Nam Phi. Anh ta mặc quần jean, áo T-shirt, đeo ba lô lệch vai, đúng kiểu trang phục chung của sinh viên du lịch. Người đàn ông tên Ron đưa Amanda tới quầy của nhân viên sân bay, hỏi thăm xem có chặn chuyến bay của Amanda lại được không.
Sau khi lỡ chuyến bay, Ron còn hứa sẽ đưa Amanda lên một chiếc máy bay khác. Người đàn ông này cho biết mình là một điệp viên FBI được chính phủ Mỹ cử tới Nam Phi làm việc. Công việc chính của anh ta là tìm ra những người nhập cư bất hợp pháp, buôn lậu ma túy, khủng bố, những gì tương tự như thế. Anh ta nói mình tiếp cận Amanda vì thấy cô đang lo lắng và cô là người Mỹ - một đồng hương – đang cần giúp đỡ.
Ban đầu, Amanda rất bối rối và đầy nghi ngờ với Ron. Sau đó, Ron còn rút một tấm thẻ nhựa in tên, tuổi, có ảnh và dòng chữ FBI cho Amanda xem để làm tin. Anh ta đi qua các khu vực an ninh, tiến vào đồn cảnh sát mà không ai chặn lại. Người này chia sẻ anh ta biết 23 thứ ngoại ngữ và ngôn ngữ là nghề của anh ta. Đó là lý do mà anh ta nói tiếng Nam Phi như tiếng mẹ đẻ trong khi tự nhận mình là người Mỹ. Anh ta có thể nhìn mặt trời và đoán giờ, là một chuyên gia võ thuật. Trước khi đưa Amanda về khách sạn để nghỉ qua đêm, Ron còn mua đồ ăn cho những người Pakistan bị trục xuất đang ở đồn cảnh sát.
Đến sáng hôm sau, Ron xuất hiện ở sân bay mang theo một tấm thẻ lên máy bay đưa cho Amanda. Anh ta giải thích rằng mình sẽ đưa được cô gái lên máy bay bởi hãng hàng không nghĩ cô bị trục xuất. Tuy nhiên điều này không đáng ngại, nó sẽ không bị ghi vào hồ sơ.
Người lạ ở sân bay đã cho Amanda một bài học: Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng ta có thêm sự tử tế và tin tưởng. Ảnh minh họa: Getty |
Trước khi rời đi, Amanda đã hỏi Ron tại sao lại mua thức ăn cho những người Pakistan bị trục xuất, chắc hẳn anh đã bỏ tiền túi ra để làm việc này. Ron trả lời: “Tôi mua thức ăn cho mấy người đó, bởi vì dù gì đi nữa thì họ cũng chỉ là muốn tìm một cuộc sống tốt hơn. Và thậm chí nếu năm người đó không vô tội như hầu hết những người tôi gặp, thậm chí họ là tội phạm thực sự, thì việc tỏ ra tử tế có thể ít nhiều gì đó phá vỡ định kiến của họ về chúng ta. Cho đến khi nào ta chứng minh được họ là người xấu thì hãy cứ đơn giản là tử tế và tin tưởng về ý định của họ”.
Câu chuyện về người đàn ông “quyền năng” tại sân bay và sự giúp đỡ không cầu đền đáp của anh ta đã khiến Amanda nhận được bài học không thể nào quên: Thế giới của chúng ta chỉ có thể trở nên tốt đẹp hơn nếu chúng ta thêm một chút tử tế và tin tưởng vào mỗi ngày trong đời.
Bảo Linh (lược dịch BBC)