Vào ngày 8/12/1895, tờ Boston Sunday Post đăng tải một bài báo với tiêu đề "Những điều kỳ lạ của Khoa học hiện đại". Bài báo này trình bày các báo cáo từ "Hiệp hội Khoa học Hoàng gia", ghi lại sự tồn tại của "những dị nhân". Báo cáo này được cho là sản phẩm của các nhà khoa học Anh, lập danh sách những người kỳ lạ, trong đó có một nàng tiên cá, một người cua và Edward Mordrake bất hạnh, người đàn ông có 2 mặt.
Bí ẩn về Edward Mordrake bắt đầu
Như bài báo đưa tin, Edward Mordake (gọi tắt là Mordake) là một nhà quý tộc Anh trẻ tuổi, thông minh và đẹp trai, đồng thời là một "nhạc sĩ có khả năng hiếm có". Tuy nhiên, bên cạnh mọi ưu điểm kể trên thì người đàn ông này lại có một khuôn mặt đáng sợ đằng sau đầu. Bất cứ khi nào Mordake khóc thì khuôn mặt thứ 2 sẽ mỉm cười và chế nhạo.
Chính vì liên tục bị "người anh em song sinh quỷ dị" cản trở nên Mordake cuối cùng phát điên và tự chấm dứt đời mình ở tuổi 23, để lại lời nhắn cho mọi người là hãy triệt tiêu khuôn mặt xấu xa của anh đi, "đừng để nó tiếp tục thì thầm điều đáng sợ trong mộ tôi".
Câu chuyện về người đàn ông có 2 khuôn mặt đã lan rộng như cháy rừng khắp nước Mỹ. Công chúng xôn xao để biết thêm chi tiết về Mordake. Thậm chí, các chuyên gia y tế đã tiếp cận câu chuyện mà không có chút hoài nghi.
Năm 1896, các bác sĩ người Mỹ là George M.Gould và Walter L. Pyle đã đưa câu chuyện về Mordake vào cuốn sách "Dị thường và sự tò mò của Y học" của họ. Sách viết về hàng loạt các trường hợp y tế kỳ lạ. Mặc dù cả 2 bác sĩ này đều thành công trong sự nghiệp nhưng với trường hợp này, họ lại khá cả tin.
Sự thật đằng sau "người đàn ông 2 mặt"
Hóa ra, câu chuyện về Edward Mordrake là giả. Theo blog Museum of Hoaxes, tác giả của bài báo gốc là Charles Lotin Hildreth, là một nhà thơ và nhà văn khoa học viễn tưởng. Những câu chuyện của ông thường viển vông, viết về thế giới khác, ngược lại với những bài báo dựa tển thực tế.
Tất nhiên, một người thường viết tiểu thuyết không có nghĩa là mọi thứ họ viết ra đều hư cấu. Tuy nhiên, vẫn có nhiều manh mối cho thấy câu chuyện về Mordake là bịa đặt.
Đầu tiên, bài báo của Hildreth trích dẫn nguồn từ "Hiệp hội Khoa học Hoàng gia" nhưng tổ chức có tên này không tồn tại vào thế kỷ 19. Hiệp hội Hoàng gia London là một tổ chức khoa học lâu đời hàng thế kỷ, nhưng không có tổ chức nào vừa có "Hoàng gia" lại có cả "Khoa học" ở phương Tây. Tuy nhiên, cái tên này nghe có vẻ đáng tin với những ai không sống ở Anh. Chính vì thế mà nhiều người Mỹ say mê với câu chuyện về người đàn ông 2 mặt.
Thứ hai, câu chuyện mà Hildreth kể chưa từng xuất hiện trong bất cứ tài liệu khoa học nào. Toàn bộ cơ sở dữ liệu của Hiệp hội Hoàng gia London có thể tìm kiếm trực tuyến nhưng không có bất cứ thứ gì như Hildreth viết. Từ tất cả những dữ kiện này, người ta kết luận bài báo của Hildreth là hư cấu. Tất cả đều xuất phát từ trí tưởng tượng của ông, kể cả Edward Mordake.
Nhiều tờ báo vào cuối thế kỷ 19 không tuân theo các tiêu chuẩn biên tập như ngày nay. Mặc dù chúng vẫn là nguồn thông tin và giải trí quan trọng nhưng lại chứa đầy những câu chuyện hư cấu mà được viết như thể có thật. Câu chuyện người đàn ông 2 mặt của Hildreth thuyết phục tới nỗi đánh lừa được vài bác sĩ và tồn tại trong trí tưởng tượng của công chúng hơn một thế kỷ. Hildreth qua đời chỉ vài tháng sau khi bài báo của ông được xuất bản, vì vậy, ông không bao giờ thấy người Mỹ bị trí tưởng tượng của ông dắt mũi ra sao.
(Theo Allthatsinteresting)