Mạng xã hội của Học viện Phật giáo Tây Tạng Larung Gar (Thích Vinh Tự Ngũ Phật) vừa đưa ra lời giải thích cho hành động phá bỏ một phần khu nhà của tăng sĩ của chính quyền là để đảm bảo an toàn cháy nổ.
Báo Thanh niên dẫn lời giải thích được đăng tải trên mạng xã hội hôm 23/7 có nội dung như sau: “Việc phá bỏ bớt khu nhà ở tăng lữ là nhằm mục đích đảm bảo an toàn cháy nổ. Nếu tất cả đều là nhà gỗ xây chi chít bên cạnh nhau thế này, lại nằm trên độ cao hơn 4.000 m so với mặt nước biển, thì khi xảy ra hỏa hoạn, làm sao xử lý kịp. Làm thế nào để bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy là rất quan trọng. Đừng có nghe báo chí và những người bị tẩy não nói. Làm gì có chuyện chấn chỉnh Học viện. Có giảm bớt nhà ở tăng lữ cũng chỉ vì vấn đề an toàn, phòng cháy chữa cháy mà thôi”.
Học viện Phật giáo Tây Tạng đẹp rực rỡ trước khi bị phá dỡ. Ảnh: Reuters |
Hãng Reuters của Anh đưa tin 8h sáng ngày 20/7, chính quyền Trung Quốc dã tiến hành dỡ bỏ các khu vực lớn tại học viện Phật giáo Larung Gar (tại khu tự trị Tây Tạng tỉnh Cam Tư, huyện Sắc Đạt, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc). Kế hoạch ban đầu được cho là vào ngày 25/7 nhưng đã tiến hành trước 5 ngày. Theo tổ chức Tự do Tây Tạng (trụ sở tại London), trong kế hoạch "quy hoạch lại" khu vực, chính phủ Tập Cận Bình đã yêu cầu Học viện Larung Gar phải “chỉnh lý giảm bớt học viên”, sao cho tới tháng 10.2017 số tăng lữ còn lại ở đây chỉ được phép dưới 5.000 người, tức là phải giảm tới 63% học viên. Trước quy định, Larung Gar là nơi sinh sống của hơn 40.000 nhà sư và ni cô.
Còn đây là hình ảnh của học viện sau khi đã bị chính quyền tháo dỡ. Ảnh: Internet |
Chính phủ Trung Quốc cho rằng việc số người ở tại đây quá đông nảy sinh nhiều vấn đề an toàn. Những người tham gia phá dỡ đều là người dân tộc Hán (cách người Tây Tạng gọi người Trung Quốc). Cắc tăng ni tại đây đã nhận được yêu cầu từ lãnh đạo Học viện là không cản trở công tác phá dỡ.
Học viện Phật giáo Larung Gar nằm giữa thung lũng Larung trên cao nguyên Tây Tạng, cách thị trấn Sắc Đạt 15 km. Được Khenpo Jigme Phuntsok - một vị Lạt ma có ảnh hưởng thuộc dòng Cổ Mật (hay dòng Mũ đỏ) xây dựng từ năm 1980, với mục đích đem lại nguồn sức sống mới cho Phật giáo Tây Tạng cũng như gửi gắm những điều tốt đẹp tới nhân loại trên thế gian này. Học viện thu hút hàng ngàn nhà sư và ni cô tới đây học tập ngắn và dài hạn với trung bình có 10.000 người. Thời kỳ hưng thịnh nhất lên tới 50.000 người, bao gồm cả cư sĩ, ni cô, chú tiểu.
Đây là trung tâm Phật giáo lớn nhất và có sức ảnh hưởng nhất thế giới.Larung Gar được tờ World News của Mỹ bình chọn là Học viện Phật giáo lớn nhất năm 1993. Học viện đã đóng cửa với du khách nước ngoài kể từ ngày 16/6.
Bảo Linh (tổng hợp)