Quảng cáo là một phần của Youtube hay các nền tảng phát video trực tuyến bởi đó chính là nguồn Doanh thu cho các mạng xã hội có thể tồn tại. Thế nhưng trong thời gian gần đây rất nhiều người dùng tại Việt Nam phải than phiền về tần suất các quảng cáo xuất hiện dày đặc trong một video.
Không chỉ có vậy, nội dung quảng cáo cũng gây sự phiền toái không nhỏ. Nhiều người dùng phản ánh về các loại quảng cáo thuốc Đông y, đặc biệt là "Nhà tôi 3 đời chữa sỏi thận".
Trong một bài đăng được một vlogger chia sẻ, chính bản thân cô cũng cảm thấy khó chịu về nội dung quảng cáo này. Vì sao cả ngày Youtube của tôi toàn quảng cáo "gia đình nhà tôi 3 đời chữa sỏi thận", hoặc "giáo sư tiến sĩ ABC chuyên chữa rụng tóc, hói đầu", v.v và v.v... Xem 1-2 lần còn thông cảm được chứ cả ngày cứ phải nghe chữa sỏi thận ai mà chịu được, Vlogger than phiền.
Phía dưới phần bình luận, rất nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của tác giả. Thậm chí các quảng cáo chữa sỏi thận, tiểu đường còn khiến họ ám ảnh, chẳng may mà không bỏ qua quảng cáo là thuộc luôn cả tên bệnh nhân xuất hiện trong video.
Lý giải về việc tại sao quảng cáo về các loại thuốc Đông Y xuất hiện nhiều như vậy, Quang Vinh, quản trị viên diễn đàn nhà sáng tạo nội dung YouTube với hơn 200.000 thành viên tiết lộ:
"Giá đấu thầu quảng cáo thông thường rơi vào khoảng 100-200 đồng/lượt hiển thị. Nhưng các đơn vị bán thuốc sẵn sàng chi từ 500-900 đồng/lượt. Điều này khiến họ được ưu tiên gắn vào các video hơn những nội dung khác”.
Và tất nhiên những quảng cáo này đa phần đều không đúng sự thật. Chia sẻ với Zingnews, một nhân viên truyền thông cho biết cô đã từng lên kịch bản và mời các diễn viên đến đóng quảng cáo này. Mọi hành động, câu thoại đều được lên kịch bản sẵn và chẳng có "Đông Y gia truyền" nào ở đây cả.
Những bức ảnh chế được dân mạng tạo ra để nói về sự ám ảnh của "Nhà tôi 3 đời chữa sỏi thận".
GS.TS Trương Việt Bình, nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam cho biết các sản phẩm quảng cáo giả mạo thuốc đông y trị dứt điểm hoàn toàn là không đúng sự thật, nói quá về tác dụng của sản phẩm. Thực tế, đa phần các sản phẩm này đều là thực phẩm chức năng, không phải là thuốc chữa bệnh.
Theo ông, người bệnh nên tới bệnh viện hoặc phòng khám để được khám và tư vấn cụ thể việc dùng đúng thuốc, đúng liều lượng. Mua thuốc trên mạng sẽ dễ gặp phải tình trạng thuốc không đảm bảo chất lượng và không có thầy thuốc chịu trách nhiệm.