Tin mới

Nhạc Trịnh Công Sơn có sức sống mãnh liệt trong lòng công chúng

Thứ tư, 01/04/2015, 11:43 (GMT+7)

Nhắc tới Trịnh Công Sơn người yêu âm nhạc không thể phủ nhận được, sự kết nối trái tim con người lại gần nhau và hiểu nhau hơn qua chính những khúc ca của ông. 

Nhắc tới Trịnh Công Sơn người yêu âm nhạc không thể phủ nhận được, sự kết nối trái tim con người lại gần nhau và hiểu nhau hơn qua chính những khúc ca của ông.  

Vào ngày Cá tháng Tư năm 2001 Sài Gòn bàng hoàng khi hay tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ra đi. Đám tang của ông được đi vào lịch sử của làng văn nghệ Việt Nam bởi hàng ngàn người đưa tiễn, với đủ các thành phần trong xã hội. Điều đó minh chứng rằng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được các tầng lớp giai cấp trong xã hội yêu mến và âm nhạc của ông sẽ sống mãi với nhân gian.

Trong khi tiễn đưa Trịnh Công Sơn về với cát bụi, nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã ngậm ngùi đọc điếu văn: "Dù có bay vào cõi vĩnh hằng, anh vẫn để lại bóng dáng như một ngọn núi lớn. Ở đó có mây trời, có gió, có suối reo, có chim hót và ngọn núi ấy không bao giờ mất. Tác phẩm của anh được khán giả đón nhận như chính hơi thở của mình. Sự cống hiến của anh về tình yêu đất nước, về thân phận hữu hạn của kiếp người, Trịnh Công Sơn đã vượt lên cả số phận và định mệnh…".

Những bài hát của Trịnh Công Sơn vẫn luôn được công chúng đón nhận, yêu mến và trân trọng.

Quả nhiên, 14 năm trôi qua, Bóng Núi vẫn sừng sững hiện hữu trong đời sống âm nhạc nước nhà. Những bài hát của Trịnh Công Sơn vẫn luôn được công chúng đón nhận, yêu mến và trân trọng. Người giàu sang, kẻ nghèo hèn, người ở địa vị cao, người ở tầng đáy của xã hội vẫn thuộc, vẫn mê say và vẫn hát. Ngay cả khi còn trong thời loạn lạc, người dân cả hai miền Nam- Bắc đều yêu mến nhạc Trịnh, nằm lòng một số bài hát của ông. 

Nhạc Trịnh trong mát và tự nhiên như suối nguồn cứ ngấm vào trong mỗi trái tim người yêu nhạc. Những bài hát ngợi ca Quê hương, Tình yêu và Thân phận con người dường như là cứu cánh giúp cho người nghe có thêm niềm yêu sống với đời, cảm thấy được an ủi, được vỗ về và sẻ chia cả những niềm vui, nỗi cùng cực, tuyệt vọng và những đớn đau mất mát.

 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng đi nhiều nơi, cảm nhận được sức sống mãnh liệt của nhạc Trịnh trong đời sống và ông đã viết: "Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ có nhiều người hâm mộ nhất. Đi đến đâu, tôi cũng thấy người ta hát ca khúc của anh. Nhạc Trịnh không chỉ ngự trị khắp mọi xó xỉnh của xứ Việt này mà còn len lỏi đến tận những ngóc ngách sâu thẳm nhất trong cõi tinh thần của người Việt ở Hải ngoại. Dường như ở đâu, Trịnh Công Sơn cũng có người yêu mến."

 

Cho dù ông đã rời xa nhân thế hơn 10 năm trời, nhưng những tình khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn vẫn vang lên trong các chương trình nghệ thuật lớn nhỏ và quan trọng nhất là vẫn rung lên trong chính trái tim của triệu triệu người dân máu đỏ da vàng.

Điều kỳ diệu là ai cũng như thấy mình trong ca khúc nào đó của Trịnh Công Sơn. Đó có thể là một phần đời bé nhỏ, một kiếp sống mong manh, một nỗi đau tình cờ hay một niềm tuyệt vọng.... và bài hát của Trịnh trở thành một tri âm để người ta được tỏ bày, được thả hồn, được phiêu diêu và được suy tư đúng nghĩa. Từ những nghệ sĩ tài danh, những ngôi sang hạng A, cho tới những thí sinh tham gia các cuộc thi âm nhạc đều chọn lựa ca khúc của Trịnh Công Sơn để thể hiện. 

Người ta thấy ngạc nhiên bởi tính Thiền ca phương Đông trong nhạc Trịnh, rồi ấn tượng với tính siêu thực rất Tây phương trong các bài hát của ông. Ngoài đề tài Quê Hương, Tình Yêu và thân phận con người nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn có chum ca khúc phản chiến hay còn gọi là ca khúc “Da vàng” nổi tiếng với những bài hát tiêu biểu như: Chờ nhìn quê hương sáng chói, Xin cho tôi… 

Ta đi dựng cờ... Chính chùm ca khúc Da vàng có sự ảnh hưởng lớn tới tầng lớp trí thức yêu nước trong giai đoạn cuộc chiến tranh miền nam khốc liệt và có sức ảnh hưởng, lan tỏa ra thế giới.

Trịnh Công Sơn - Bóng Núi không bao giờ khuất. Bóng Núi ấy nhắc chúng ta luôn nhớ về quê hương xứ sở như: Chiều trên quê hương tôi, Huế - Sài Gòn – Hà Nội… Bóng núi ấy an ủi vỗ về những trái tim đang yêu vì: Diễm xưa, Tình nhớ, Tình xa, Rut a ngậm ngùi… Bóng núi ấy cho em thơ: Tuổi đời mênh mông, Tết suối hồng, Em là bông hồng nhỏ… Bóng núi ấy đưa ta: Một cõi đi về, Dấu chân địa đàng, Mưa hồng…

Có thể nhận định rằng những bài hát của Trịnh Công Sơn thấm đẫm tính triết học và giáo lý của đạo phật. Thuyết luân hồi hay Tứ diệu đế trong nhạc Trịnh được ông sử dụng rất nhiều trong các sáng tác của ông. Vì lý do đó mà nghe nhạc Trịnh ta có cảm giác như được nghe cầu kinh. Có lẽ ai cũng tìm thấy mình trong nhạc Trịnh nên vì thế mà nhạc Trịnh có sức sống mãnh liệt trong lòng công chúng.

Thanh Lương

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news