Hiện tượng 150 con cá heo mắc cạn suốt 10km bờ biển Nhật Bản đã khiến giới trẻ nước này hoang mang, lo lắng về một trận siêu động đất dẫn đến đại hồng thủy như hồi năm 2011.
Nhật Bản vốn là đất nước của những người dân không có nhiều niềm tin với dạng tin đồn – “dema”, nhưng những ngày gầy đây, giới trẻ Nhật đang ồn ào trên Yahoo và Twitter với dự cảm về một cơn đại hồng thuỷ.
Những tin đồn trên xuất hiện sau khi xảy ra hiện tượng hàng loạt cá heo đầu dưa bị mắc cạn tại vùng biển tỉnh Ibaraki.
Những con cá dài 2 – 3m này có nhiều vết xước trên người và được chẩn đoán ban đầu là bị suy nhược nặng.
Những người dân địa phương đã tìm mọi cách để giữ cho những con cá còn thoi thóp ở dưới nước, đồng thời tàu của cảnh sát biển cũng có mặt, để sẵn sàng đưa những con cá được hồi phục ra xa và thả chúng về đại dương.
Hiện tượng hàng loạt cá heo mắc cạn trên bờ biển khiến không ít người Nhật lo ngại về một trận đại hồng thủy sắp xảy ra
Ngay lập tức, Cộng đồng mạng Nhật đã lật lại những thông tin trùng hợp về cá heo và động đất.
Ngày 21/2/2011, 107 con cá voi mắc cạn tại biển New Zealand thì ngay ngày hôm sau, một trận động đất mạnh 6.3 độ Richter đã xảy ra ở Đảo Nam và Christchurch – thành phố có dân số đứng thứ hai New Zealand, khiến 65 người thiệt mạng.
Đêm 4/3/2011 tại vùng biển Ibaraki Ken, 52 con cá heo cùng loại với 150 con cá heo mắc cạn ngày 10/4/2015 nói trên, trong đó có 30 con chết.
Ngày 11/3/3011, một trận siêu động đất đã xảy ra tại vùng Tohoku và tiếp đó là cơn sóng thần quét sạch một dải bờ biển của Nhật Bản, gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh Iwate, Miyagi, Fukushima, và Ibaraki.
Sau trận động đất kèm sóng thần 2011, Nhật Bản thiệt hại khoảng 21.000 người – tính cả con số mất tích, 235 tỷ USD và buộc phải đóng cửa nhà máy hạt nhân Fukushima.
Trận động đất kèm sóng thần hồi năm 2011 khiến Nhật Bản thiệt hại khoảng 21.000 người – tính cả con số mất tích
Khả năng dự báo thiên tai của động vật đã được nhắc tới, sau trận động đất lịch sử tại Tứ Xuyên – Trung Quốc vào năm 2008.
Ngày 10/5/2008, tờ Huaxi Metropolitan đưa tin về hiện tượng hàng nghìn con cóc đột nhiên di chuyển bất thường trên đường phố Miên Châu, nhưng không ai chú ý. Hai ngày sau, trận động đất diễn ra và Miên Châu có khoảng 2000 người bị thiệt mạng.
Người dân Nhật vốn có tính kỉ luật cao và tin tưởng vào các phương tiện truyền thông chính thống, không mấy để ý vào tin đồn và cũng quá bận rộn để quan tâm đến những tin tức dạng “đồn thổi”, những tờ báo uy tín ở Nhật cũng không đưa ra suy luận nào liên quan đến vụ cá heo dạt bờ.
Ông Sakamoto, một người dân Nhật sống tại Sapporo cho hay, ông không tin vào việc vài con cá heo dạt vào bờ lại liên quan đến chuyện động đất.
“Có thể chúng không có thức ăn, có thể chúng bơi nhầm luồng nước, nhưng không phải là động đất”, ông Sakamoto cho biết.
Ông Tadasu Yamada, chuyên gia về động vật biển có vú làm việc tại Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Quốc gia (NMNS) cho biết, những con cá heo có vẻ như gặp các vấn đề về sinh lý hay tâm lý và phải đối mặt với một mối đe dọa nào đó.
Tài khoản Youtube của Kyodo News cũng chặn, không cho phép các bình luận được hiển thị trên video về cá voi dạt bờ, đang có trên 40.000 lượt xem của họ.
Đa số người dân Nhật không tin và phản biện khá mạnh mẽ “tin đồn”, nhưng trên mạng xã hội thì không đơn giản như vậy.
Những bình luận thể hiện sự lo ngại của giới trẻ Nhật trên Japancrush
“Khi những trận động đất đến, giá sách sẽ rơi và hạ giá sách xuống trước như là một biện pháp để phòng tránh động đất”, Yui dẫn lại một Tweet và tấm ảnh về chiếc giá xách đã được gỡ, đặt nằm xuống sàn.
Trong khi đó, khi tìm kiếm với từ động đất trên Twitter sẽ có 3 gợi ý: “động đất – cá heo”, “động đất và cá heo không liên quan”, “có thật là động đất liên quan đến cá heo?”.
“Ngày mai, động đất sẽ chưa đến đâu, để rồi 3 ngày sau khi bạn quên đi, động đất sẽ đến... ông trời là như vậy đó”, trích một dòng tweet của bạn trẻ Nhật trên Twitter.
Động đất là chuyện khá thường xuyên tại Nhật, và bất cứ ai cũng đều được dạy cách phòng tránh khi tai hoạ này xảy ra. Tuy nhiên, lúc này đây không ít người đang hồi hộp chờ mong, Nhật Bản sẽ bình yên trong những ngày tới.
Các nhà khoa học vẫn đang tìm kiếm những bằng chứng xem xét liệu có sự liên quan giữa việc các loài cá "bỏ chạy" khỏi môi trường sống của chúng sau khi chúng nhận thấy những mối nguy hiểm từ động đất hay sóng thần.
Yên Yên (IB Times, Japan Crush)