Tin mới

Nhìn lại những tác phẩm điện ảnh đình đám của Trần Anh Hùng

Thứ ba, 08/11/2016, 16:28 (GMT+7)

Là đạo diễn Pháp gốc Việt, Trần Anh Hùng đã gây ấn tượng cho nền điện ảnh nước nhà cùng giới chuyên môn quốc tế với những tác phẩm sống động, ấn tượng qua từng âm thanh và dạt dào cảm xúc

đạo diễn Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng đã gây ấn tượng cho nền điện ảnh nước nhà cùng giới chuyên môn quốc tế với những tác phẩm sống động trong thước phim, ấn tượng qua từng âm thanh và dạt dào cảm xúc. Cùng nhìn lại một vài tác phẩm “để đời” của vị đạo diễn đầu tiên mang phim Việt đến với vòng cuối đề cử giải Oscar này.

Những thước phim được đề cử giải Oscar

1. Mùi đu đủ xanh (1993)

Đứng đầu danh sách phải kể đến “Mùi đu đủ xanh”- tác phẩm điện ảnh Việt Nam đầu tiên được lọt top đề cử giải thưởng Oscar cho Phim Ngoại ngữ hay nhất. Dù mới là tác phẩm đầu tay nhưng Mùi đu đủ xanh đã mang lại tên tuổi vươn tầm quốc tế cho đạo diễn Trần Anh Hùng với một loạt thành tích ấn tượng như giải Camera Vàng tại LHP Cannes, giải Cesar cho phim đầu tay hay nhất, là bộ phim được giới thiệu tại Viện bảo tàng Guimet Museum of Asian Art (Paris),v.v…

Phim đầu tay được đề cử Oscar

“Mùi đu đủ xanh” xoay quanh cuộc đời của cô bé Mùi đi ở từ lúc còn nhỏ, tới khi cô trở thành thiếu nữ và tìm được bến đỗ tình yêu đích thực của cuộc đời mình. Chẳng có những cú twist gay cấn, kịch tính mà phim thu hút người xem qua những hình ảnh bình lặng đến trong trẻo của bối cảnh Sài Gòn những năm 1950. Để rồi dù ít thoại nhưng không hề nhàm chán, vì người xem còn mê mải lắng nghe âm thanh bình dị cuộc sống và tò mò về cuộc đời tiếp theo của những người phụ nữ Á Đông trên phim- những con người rất đỗi thân quen, nhẫn nhịn, giàu đức hy sinh và luôn muốn vươn tới những giá trị hạnh phúc.

Chắc chắn khi thả mình cảm nhận từng thước phim sống động, bạn sẽ không hề ngờ rằng bộ phim này được quay và dựng hoàn toàn tại một phim trường ở Paris, Pháp. Nữ diễn viên xinh đẹp Trần Nữ Yên Khê (vai Mùi) cũng là người Pháp gốc Việt và là người bạn đời của đạo diễn Trần Anh Hùng. Những điều đặc biệt ấy sẽ là những nét hấp dẫn, thu hút riêng của bộ phim, dù đã hơn 2 thập kỷ trôi qua.

2. Tác phẩm Xích Lô (1995)

Sau thành công của “Mùi đu đủ xanh”, gần 3 năm sau Trần Anh Hùng lại giới thiệu với công chúng một bộ phim mang dáng dấp, hơi thở của Sài thành. “Xích Lô” là chiếc xích lô hiện thân của văn hóa phương tiện Việt Nam trong thời gian dài, và cũng là một nhân vật có tính cách, có số phận trong phim của Trần Anh Hùng. Từ dân lao động chất phác, chăm chỉ làm ăn, Xích Lô bị đẩy vào hoàn cảnh phải trở thành tay sai cướp của, kéo theo một loạt biến cố trong cuộc đời của nhân vật này. Phim cũng xoay quanh tâm lý của nhân vật chị gái Xích Lô, nhân vật giang hồ  hay bà chủ cầm đầu băng cướp. Họ là những con người của tận cùng xã hội, đáng trách vô cùng nhưng vẫn chan chứa khao khát yêu thương, ước mơ hạnh phúc.

“Xích Lô” vẫn được đón nhận và đánh giá cao ở giải thưởng Quốc tế

Phim quy tụ dàn diễn viên thứ chính và diễn viên phụ với nhiều tên tuổi nối tiếng như Lê Công Tuấn Anh, Như Quỳnh, Trần Nữ Yên Khê, Lương Triều Vỹ (Hong Kong),… nhưng đặc biệt nhất có lẽ là anh chàng Xích Lô ngoài đời là một người lơ xe 20 tuổi được đạo diễn nhìn thấy ở Quảng Ngãi. Có lẽ cúng chính sự không chuyên, không kiến thức, không kỹ thuật này đem lại nét mới lạ, rất thật, rất đời thường cho nhân vật chính của “Xích Lô”.

Tuy đã từng bị cấm chiếu ở Việt Nam do những hình ảnh có mức hơi nhạy cảm và bạo lực ở xã hội những năm 1990, “Xích Lô” vẫn được đón nhận và đánh giá cao ở giải thưởng Quốc tế, với giải Sư tử vàng (Golden Lion) ở LHP Venice 1995 và một lần nữa khẳng định tên tuổi của Trần Anh Hùng đối với giới điện ảnh trên toàn thế giới.

3. Mùa hè chiều thằng đứng (2000)

Bộ phim thứ ba của Trần Anh Hùng cũng không có một cốt truyện cụ thể, không cao trào, kịch tính và rất kiệm lời thoại. Truyện phim xoay qua cuộc sống của 3 chị em gái Hà thành Sương, Khanh và Liên trong bối cảnh giao thoa giữa những giá trị truyền thống và quan niệm đồi mới, tân thời.

Một bộ phim nhẹ nhàng có chiều sâu.

Tái hiện cuộc sống thị thành những năm 2000, khi mọi thứ trong lành và đơn sơ, mang đậm tâm hồn bản sắc Việt Nam, “Mùa hè chiều thẳng đứng” mang tới cảm giác dịu dàng, thanh bình qua mỗi khung hình và giọng nói hết mức nhẹ nhàng, êm ái. Cuộc đời của các nhân vật thể hiện sự đối nghịch trong suy nghĩ và hoàn cảnh,tiêu biểu cho số phận của những người đàn bà Việt Nam trong thời kì đổi mới văn hóa, xã hội.

Bộ ba diễn viên chính một lần nữa đem lại sự yên tâm cho những người xem phim, bởi ngoại hình không thể đúng mực hơn và diễn xuất nhiều cảm xúc qua nét mặt, cử chỉ. Và Trần Anh Hùng vẫn tiếp tục tin tưởng và gửi gắm một trong ba vai diễn ấy cho người bạn đời của mình, giống như hai bộ phim trước đã từng. “Mùa hè chiều thẳng đứng” là một mùa hè của những thế hệ trước xem và gợi nhớ, và là mùa hè vốn trong tưởng tượng của những thế hệ sau này khi không có cơ hội trải qua những năm tháng ấy.

4. Rừng Na-uy

Được chọn mặt gửi vàng bởi chính tác giả, Trần Anh Hùng cho ra đời bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Nhật Bản cùng tên “Rừng Na-uy”. Đáp lại mọi nghi ngờ của những người đã từng là fan trung thành của tác phẩm này, “Rừng Na-uy” đã tái hiện sâu sắc và chân thật cuộc sống, tâm lý và khát vọng của giới trẻ Nhật Bản những năm 1960.

Bộ phim được công chiếu tại LHP Vernice

Xoay quanh diễn biến tâm lý, cuộc đời của chàng thanh niên Nhật Toru (Matsuyama Kenichi) với hai cô gái Naoko (Kikuchi Rinko) và Midori (Mizuhara Kiko), “Rừng Na-uy” với những cảnh quay đầy sáng tạo, âm thanh mới lạ và tạo cao trào đã không làm chính tác giả và những người xem phim thất vọng. Diễn xuất cũng là yếu tố được đánh giá cao, dù dàn diễn viên rất trẻ và chưa có quá nhiều kinh nghiệm.

“Rừng Na-uy” được công chiếu lần đầu năm 2010 tại LHP Venice và nhận được nhiều đánh giá cao của giới chuyên môn, mang lại cơn sốt cho tác phẩm điện ảnh chuyển thể này tại cộng đồng yêu phim tại Việt Nam.

5. Vĩnh Cửu (2016)

Mới nhất trong bộ sưu tập các bộ phim mang tầm quốc tế của Trần Anh Hùng là “Vĩnh Cửu” (Eternity). Đây là tác phẩm Pháp, nói tiếng Pháp đầu tiên của vị đạo diễn gốc Việt tài ba, được chuyển thể từ tiểu thuyết Nét duyên góa phụ. Với những hình ảnh sống động, đầy màu sắc, phim dẫn người xem vào một thế giới đậm chất Pháp trong thời kì chuyển giao giữa hai thế kỷ qua câu chuyện của một dòng họ giàu có đông con.

Tác phẩm của Trần Anh Hùng tiếp tục gạt bỏ kịch thích và nhấn nhá vào cảm xúc

Vẫn tiếp tục gạt bỏ kịch thích và nhấn nhá vào cảm xúc, Trần Anh Hùng vẽ lại cuộc sống tuần hoàn lặp đi lặp lại cả trăm năm của những người phụ nữ. Họ lớn lên, yêu, lấy chồng và sinh con. Con cái của họ lại tiếp tục những vòng đời như vậy. Phim không chỉ có nụ cười hạnh phúc mà còn chan chứa cả nước mắt, thống khổ tận cùng, đẩy cảm xúc của người xem qua đầy đủ các cung bậc.

Tuy là một bộ phim hoàn toàn “Pháp” nhưng người ta lại thấy đâu đó bóng dáng của những người phụ nữ Việt Nam thấp thoáng trong đó: cam chịu, nhẫn nhịn và yêu thương hết mực đến hy sinh.

Không bỏ túi quá nhiều tác phẩm điện ảnh, nếu không nói là khá ít so với nhiều năm trong nghề, Trần Anh Hùng vẫn đang dần khẳng định và ghi dấu tên tuổi mình đối với bạn bè quốc tế về những nét văn hóa, con người, cuộc sống thể hiện trong nền điện ảnh Việt Nam có thể khởi sắc.

Ka Linh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news