Khi nói đến Chính sách đối ngoại, các cử tri Mỹ luôn là một khối những mâu thuẫn. Đa số tin rằng nước Mỹ là cường quốc mạnh nhất thế giới nhưng họ thấy vị trí đó đang dần trượt đi. Có nhiều người có vẻ như muốn phần còn lại của hành tinh này sẽ biến mất.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhìn Tổng thống Mỹ Barack Obama mỉm cười tại Thượng đỉnh APEC. Ảnh: Reuters |
Rõ ràng điều đó không xảy ra. Trong khi cuộc bầu cử tổng thống 2016 sẽ để cho cử tri Mỹ lựa chọn quan điểm đối ngoại trên quy mô chưa từng thấy trong lịch sử chính trị gần đây, những gì xảy ra thời gian này đã đập tan mọi hy vọng rằng các thách thức hiện tại sẽ có được những đáp án dễ dàng.
Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Trong 15 năm kể từ sau vụ khủng bố 11/9, nước Mỹ đã lao vào nỗ lực kinh tế, chính trị và con người khổng lồ, cố để giữ cho bản thân được an toàn, đặc biệt là thông qua các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan. Nhưng những điều này không khiến mọi thứ tốt hơn mà còn ngược lại. Bức tranh địa chính trị rộng lớn tiếp tục phức tạp hơn, Liên minh châu Âu chìm sâu vào khủng hoảng hơn sau khi Anh bỏ phiếu rút khỏi liên minh hồi tháng 6.
Những cuộc tấn công tại Orlando và Nice gần đây chắc chắn sẽ thôi thúc cả bà Hillary Clinton và ông Donald Trump có bước tiến quân sự chống lại IS ở Trung Đông - mặc dù cuộc tấn công này bản bản thân nó xuất hiện ở trong nước. Đồng thời, Washington phải đối mặt trực tiếp với những thác thức từ các nước lớn - đặc biệt là Nga và Trung Quốc - trên quy mô chưa từng thấy từ thời Chiến tranh Lạnh.
Bên trong nước Mỹ, nhiều cử tri dường như đã mất niềm tin rằng những gì mà nước Mỹ hứa hẹn với thế giới - từ quân sự, kinh tế đến ngoại giao - thực sự mang lại lợi ích cho họ. Đối với họ, toàn cầu hóa chỉ đơn giản là xuất khẩu ra nước ngoài trong khi đem về cho nước Mỹ những vấn đề về an ninh, cạnh tranh, đặc biệt là thông qua di cư.
Khả năng khai thác quan điểm bài ngoại sẽ là nhân tố chính trong thành công đáng kinh ngạc của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Cho dù vậy thì một số cuộc thăm dò gần đây cho thấy bà Clinton, với chính sách ngoại giao cơ bản, cuối cùng sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này
Đồng thời, ông Trump nhanh chóng yêu cầu hành động nhiều hơn để chống lại IS sau vụ tấn công Orlando. Khi nói đến việc đối phó với những chiến binh này, khoảng 60% người Mỹ - chủ yếu là của đảng Cộng hòa và Dân chủ - đều nói họ muốn chính quyền Obama "làm nhiều hơn". Nhưng cũng như mọi khi, không rõ "làm nhiều hơn" này có nghĩa là gì.
Chắc chắn, đảng Cộng hòa nhiều tình hơn đảng Dân chủ trong việc thúc đẩy các cuộc không kích chống IS. Tuy nhiên, đa số cử tri cả 2 đảng đều không quan tâm đến việc đẩy mạnh dùng lực lượng đặc biệt tại Iraq hay Syria, thậm chí là có rất ít người quan tâm đến triển khai bộ binh thông thường. Họ cũng không thích ý tưởng tiếp nhận người tị nạn từ Syria. Hơn một nửa số người được hỏi tin rằng làm vậy sẽ ảnh hưởng đến an ninh nước Mỹ.
Cũng chẳng có bất cứ phản ứng đơn giản nào đối với những thách thức đang lên từ phía Nga và Trung Quốc.
Khi nói đến một Trung Quốc đang trỗi dậy, người Mỹ rõ ràng tin là có nhiều điều đáng lo lắng. Khoảng một nửa trong số người được Pew khảo sát nói họ quan ngại về sức mạng quân sự đang lên, vấn đề nhân quyền, môi trường, thâm hụt thương mại với Mỹ và khả năng xảy ra các cuộc tấn công mạng của Bắc Kinh. Thậm chí còn có hơn 60% người lo lắng về việc mất việc làm và số tiền (1,2 nghìn tỷ USD) mà Washington đang nợ chính phủ Trung Quốc.
Giống như nhiều người trong phần còn lại của thế giới, người Mỹ có cái nhìn rất tiêu cực về lãnh đạo Nga Vladimir Putin mặc dù điều này đã được làm dịu đi bởi sự tôn trọng miễn cưỡng. Cuộc thăm dò năm nay cho thấy phần lớn người Mỹ - 56% - nói họ tin nước Mỹ nên hỗ trợ các đồng minh NATO về mặt quân sự nếu họ bị Moscow tấn công.
Như mong đợi, đảng Cộng hòa có nhiều khả năng hơn đảng Dân chủ khi nói rằng Washington phải hỗ trợ các đối tác trong khu vực bằng vũ lực nếu cần - chỉ một số ít các thành viên đảng Dân chủ tin vào việc sử dụng vũ lực để bảo vệ đồng minh NATO tại châu Âu. Tuy nhiên, các ứng viên tổng thống năm nay lại có quan điểm hoàn toàn đối lập. Bà Clinton lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ NATO trong khi ông Trump lại nói rằng sự chỉ huy yếu kém của Mỹ không thể đảm bảo cho an ninh châu Âu theo cách mà họ đã làm trong nhiều thập kỷ.
Điều đó như một lời nhắc nhở rằng những khác biệt này có thể ngày càng đi ngược lại với đường lối của các đảng. Trong cuộc bầu cử năm nay, ứng viên đảng Dân chủ Clinton rõ ràng là theo chủ nghĩa quốc tế hơn khi mà bà từng là một ngoại trưởng. Tuy nhiên, trong các chiến dịch tương lai, hoàn toàn có thể hình dung được một Bernie Sanders theo phái tả, biệt lập của đảng Dân chủ đối đầu với một đảng Cộng hòa hiếu chiến hơn.
Thật vậy, tình hình hiện khá phức tạp. Ông Trump có thể muốn hành động quân sự tương đối bừa bãi, thậm chí là tra tấn khi nói đến các chiến binh. Nhưng ông ấy lại phản đối hành động quy mô lớn, xây dựng nhà nước kiểu Iraq. Về toàn diện, đảng Cộng hòa ủng hộ chi tiêu quân sự nhiều hơn nhưng đồng thời lại muốn sử dụng nó ít hơn.
Trong lịch sử, những căng thẳng như thế này vẫn luôn hiện hữu. Từ khi bắt đầu, những người sáng lập ra nước Mỹ như George Washington và Thomas Jefferson đã quan tâm đến việc tránh "những rắc rối nước ngoài". Nước Mỹ đã đến với cả 2 cuộc chiến tranh thế giới một cách muộn màng. Chỉ sau năm 1945, Mỹ mới cho thấy sự nhiệt tình để trở thành "cảnh sát toàn cầu" - và thậm chí sau đó, nó là một vai trò rất miễn cưỡng.
Cuộc bầu cử này cho đến nay đã cho thấy tất cả mọi thứ, đó là nền chính trị trong nước Mỹ đang phân cực. Bằng cách nào đó, Mỹ phải quản lý chúng khi đối phó với một thế giới phức tạp không kém.
Bảo Linh (Reuters)