Những gia tộc đình đám này được biết đến bởi khối tài sản khổng lồ cùng học thức uyên bác bậc nhất Việt Nam. Chỉ cần nhắc đến cái tên của họ là ai cũng phải thán phục.
Gia tộc họ Trương:
Đế chế kinh doanh của dòng họ Trương hiện tại nằm trong sự lớn mạnh của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – một công ty tư nhân quyền lực và cũng kín tiếng bậc nhất hiện nay, với số vốn điều lệ lên tới 12.800 tỷ đồng – cao hơn cả Vingroup của tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng và Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức với mức lần lượt là gần 9.300 tỷ đồng và 7.200 tỷ đồng.
Vạn Thịnh Phát dẫn đầu bởi bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch HĐQT và bà Trương Mỹ Lunh – Tổng GĐ. Tập đoàn được thành lập năm 1992 bởi bà Trương Mỹ Lan, với tên gọi Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát. Ban đầu, công ty trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng – khách sạn, sau đó đã mở rộng hoạt động sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Đến nay, Công ty đã lần lượt Khai trương nhiều nhà hàng, khách sạn, cao ốc văn phòng và cao ốc căn hộ – tất cả đều đạt tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ cao, trong đó có hai công trình lớn là Khách sạn Thương mại An Đông – Windsor Plaza Hotel và Cao ốc căn hộ cao cấp Sherwood Residence.
Năm 2007 Công ty Vạn Thịnh Phát đã tham gia thành lập các công ty cổ phần có vốn đầu tư lớn là Công ty CP Đầu tư Vạn Thịnh Phát và Công ty CP Đầu tư An Đông, đồng thời hợp tác với Công ty CP Đầu tư Times Square Việt Nam và Công ty CP Tập Đoàn Sài Gòn Peninsula để hình thành nên nhóm các công ty liên kết chuyên đầu tư bất động sản.
Đám cưới vừa qua của Thanh Bùi và Huệ Vân được tổ chức tại tòa nhà 40 tầng Times Square, một dự án mới được hoàn thành của tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Dự án này từng được ví như “viên ngọc” của TP.HCM khi tọa lạc ngay góc đường đắt đỏ nhất của Sài Thành.
Gia tộc Lý Quí:
Gia tộc Lý Quí nổi tiếng là một tập đoàn ẩm thực gia đình không ai có thể vượt qua được về số lượng cơ ngơi tại Việt Nam. Những nhà hàng, cafe nổi tiếng mà bất cứ người Sài Gòn lâu năm nào cũng biết như Ciao, Terrace, Ibox, Goody, Paris Deli, Fly Cupcake Vineyard, Maxim’s Nam An, An, An Viên, Thanh Niên, Gloria Jean’s, Breadtalk, Runam hay đại trung tâm nội thất Nhà Xinh đều là sở hữu (hoặc đã từng) của gia tộc Lý Quí.
Nhà Lý Quí Khánh được cho là một biệt thự rất rộng mà đi từ cổng vào đến cửa nhà phải chạy xe tới… vài cây số. Căn biệt thự có không chỉ một, mà một vài bể bơi. Nhà thiết kế Lý Quí Khánh cũng thường xuyên di chuyển bằng máy bay hạng thượng gia, ở khách sạn sang trọng bậc nhất và luôn dùng hàng hiệu đẳng cấp.
Điểm chung của tất cả các cơ ngơi này đều được thiết kế rất đẹp, tinh tế và luôn mang phong cách rất thời trang - điều hiếm có một gia đình tài phiệt nào có thể sở hữu được trọn vẹn.
Gia tộc Lý Quí còn sở hữu hàng loạt nhà hàng, cafe, nội thất… hoành tráng bậc nhất. Lý Quí Khánh cũng từng tiết lộ rằng anh lớn lên trong một gia đình đáng tự hào và anh được thừa hưởng những tinh hoa của gia đình. Lý Quí Khánh là “hoàng tử bé” của gia tộc ẩm thực giàu có nhất Việt Nam.
Gia tộc cố giáo sư Nguyễn Lân:
Hiếm gia đình nào có đến 8 người con đều là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ như gia đình cố giáo sư – nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân. Người đi trước dìu dắt người đi sau, họ đã xây đắp nên hình mẫu một đại gia đình hiếu học, tài hoa, chuẩn mực. Dù theo đuổi những chuyên ngành khác nhau nhưng cả 8 người con – 7 trai 1 gái – của cố giáo sư Nguyễn Lân đều chọn nghề làm thầy cao quý, đó là thầy giáo và thầy thuốc.
Giáo sư Nguyễn Lân (sinh ngày 14-6-1906 ở làng Ngọc Lập, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) vốn là một cậu bé nhà nghèo, được người anh họ nuôi ăn học, song lại có một người vợ hiền, đẹp, là con gái nhà đại điền chủ Nguyễn Hữu Tiệp. Nét duyên dáng, kiêu sa của bà Nguyễn Thị Tề đã khiến cho thầy giáo trẻ “liều mình” đến tận nhà đại điền chủ xin cưới con gái của ông. Và rồi tư chất thông minh, tử tế của Nguyễn Lân đã chinh phục được đại điền chủ giàu nhất, nhì Hà Nội.
Gia tộc Nguyễn Lân.
Nhờ đức độ của ông Nguyễn Lân – bà Nguyễn Thị Tề mà đại gia đình lớn của ông bà (với gần 60 người) luôn giữ được nền nếp gia phong, trên kính dưới nhường, anh em yêu quý nhau. Không chỉ 8 người con ruột mới là những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ mà nhiều con rể, con dâu cũng là những trí thức có uy tín. Vợ của giáo sư – tiến sĩ – nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất là phó giáo sư – nghệ sĩ công huân Liên bang Nga Svetlana Kurbetova; chồng của tiến sĩ Nguyễn Tề Chỉnh (đã mất vào năm 1992 vì Tai nạn giao thông) là giáo sư Bùi Thế Kỳ, sinh thời là chuyên gia đầu ngành về tim mạch ở Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô.
Vợ của giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng là đại tá – phó giáo sư – tiến sĩ – thầy thuốc nhân dân Nguyễn Kim Nữ Hiếu, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (bà Hiếu là con của cố giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục của Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1946 đến năm 1975). Các con dâu nhà Nguyễn Lân phần lớn là giáo viên, bác sĩ…
Bảy con trai của cố giáo sư Nguyễn Lân: Nguyễn Lân Tuất, Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Lân Cường,Nguyễn Lân Hùng, Nguyễn Lân Tráng, Nguyễn Lân Việt,Nguyễn Lân Trung (riêng người con thứ hai – bà Nguyễn Tề Chỉnh – đã mất).
Gia đình cố giáo sư Tôn Thất Tùng - gia đình Y Đức
Nhắc đến ngành Y Việt Nam, người ta không thể không nhắc đến gia đình cố giáo sư Tôn Thất Tùn với những con người ghi danh mình vào lịch sử Y học, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.
Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng (1912-1982) là một bác sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực gan và giải phẫu gan. Trong 70 năm của một đời người, GS Tôn Thất Tùng đã có một phát minh được coi là kinh điển, và để lại trong y văn thế giới 123 công trình. Ông là cha đẻ của “phương pháp Tôn Thất Tùng” (phương pháp cắt gan có quy phạm). Phương pháp này được đưa vào "Bách khoa thư Nội thương – Phẫu thuật" của Pháp, và được in trong "Chọn lọc các Tài liệu Sản khoa và Phẫu thuật" của Mỹ.
Gia đình cố giáo sư và những người bạn.
Cuốn "Phẫu thuật cắt gan" của Tôn Thất Tùng được Nhà xuất bản Masson in ở Pháp, sau đó, được Nhà xuất bản Meditsina dịch, in ở Nga.
Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Liên Xô. Ngoài ra, ông còn được Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris tặng Huy chương Lannelongue cho nhà phẫu thuật xuất sắc nhất thế giới.
Ông còn đào tạo ra nhiều thế hệ bác sĩ tài năng tại Trường Đại học Y Hà Nội và từng giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
3 người con của ông là Tôn Nữ Ngọc Trân, Tôn Nữ Hồng Tâm và Tôn Thất Bách đều tiếp nối sự nghiệp của cha bước vào ngành Y. Trong đó, nổi tiếng nhất là Phó Giáo sư - Viện sĩ, Bác sĩ Tôn Thất Bách - nguyên Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Tôn Thất Bách (1946 - 2004) là chuyên gia đầu ngành về tim mạch của Việt Nam và thế giới. Ông là Phó Giáo sư Y học, Nhà giáo Nhân dân, Viện sỹ Viện hàn lâm ngoại khoa Pháp, Viện sỹ Viện hàn lâm khoa học New York, Tiến sĩ danh dự Trường Đại học Lille - Pháp, Tiến sĩ danh dự trường Đại học Odessa - Ukraina, thành viên Hội ngoại khoa quốc tế. Ông từng giữ các chức vụ Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa IX, X và XI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội Việt Nam khoá XI.
Bảo An(tổng hợp)/Người đưa tin