(Tinmoi.vn) Để liên kết Chu Vĩnh Khang với khối tài sản khổng lồ của gia tộc ông, các nhà điều tra đã phải giải mã sự phức tạp của gia đình này cùng với mối quan hệ bên ngoài của Chu.
Một cuộc điều tra tham nhũng lớn chưa từng co nhằm vào cựu quan chức cấp cao của Đảng cộng sản Trung Quốc, Chu Vĩnh Khang khiến dư luận Trung Quốc bắt đầu suy đoán về khối tài sản khổng lồ mà ông có đã vơ vét được.
Nhưng có khả năng chỉ một lượng nhỏ trong khối tài sản ấy, nếu có, là liên quan trực tiếp đến Chu Vĩnh Khang. Là người đứng đầu của gia tộc, Chu Vĩnh Khang không trực tiếp tham gia vào các vụ giao dịch mà trở thành người bảo vệ cho các hoạt động nhận hối lộ của người thân.
Theo một tài liệu điều tra mà SCMP có được, có ít nhất 37 công ty, vươn rộng tới tận những nơi xa xôi như Bắc Mỹ thuộc sở hữu của gia đình Chu Vĩnh Khang hoặc có liên kết với gia đình này. Các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực dầu khí, phát triển bất động sản, thủy điện, du lịch và nhiều hơn nữa. Reuters từng ước tính tổng số tài sản mà gia tộc này nắm giữ có thể lên đến 90 tỷ nhân dân tệ, mặc dù nhiều người còn nghi ngờ về con số này.
“Nếu đây là sự thật thì đúng là kinh hoàng. Các học giả từ lâu đã nói rằng “nguồn thu nhập xám” và tiền do tham nhũng đã chiếm hơn 30% GDP của Trung Quốc, nhưng con số đó là quá nhiều”, Hu Xingdou, một nhà bình luận chính trị tại Học viện Công nghệ Bắc Kinh nói.
Tuy nhiên, cái tên Chu Vĩnh Khang không xuất hiện trong hàng ngàn trang tài liệu điều tra của tờ Washington Post. Con trai lớn của ông, Chu Bân, 42 tuổi - một trong những người cầm đầu “đế chế kinh doanh” của gia tộc và mẹ vợ Chu Bân, bà Zhan Minli lại là những người hoạt động chính trong đế chế này. Cả cháu trai của Chu Vĩnh Khang, Chu Phong và chị vợ anh ta, Zhou Lingying cũng nằm trong số đó.
Các thành viên trong gia đình này đã cùng nhau nắm giữ “đế chế kinh doanh” khổng lồ, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua những người đã từng chịu ơn Chu Vĩnh khang về sự nghiệp chính trị hoặc việc kinh doanh.
Mẹ vợ Chu Bân, bà Zhan, 72 tuổi là cổ đông lớn nhất của của ít nhất 9 công ty trong đế chế của Chu Vĩnh Khang. Bà này là vợ của Huang Yusheng – con trai một nhà địa chất học nổi tiếng, có vai trò quan trọng trong việc phát hiện ra mỏ dầu Daqing những năm 1950.
Chu Bân hiện đang bị quản thúc, đã điều hành các doanh nghiệp của mình thông qua em rể mình.
Những người quen biết Chu Bân cho biết ông này không có khả năng kinh doanh đặc biệt và sẽ không thể đạt được thành tựu nếu không nhờ vào cái uy của bố mình. Tuy nhiên, trong vòng 10 năm, Chu Bân đã phát triển các doanh nghiệp của họ Chu từ một công ty vô danh đăng ký địa chỉ tại một căn hộ chung cư lên thành một tập đoàn có tài sản hàng trăm triệu nhân dân tệ, các tài liệu điều tra cho thấy.
Với bằng thạc sĩ nghiên cứu quản lý quốc tế của ĐH Texas ở Dallas, Chu Bin trở lại Trung Quốc vào đầu năm 2000 và vào năm 2003 thành lập công ty Beijing Zhongxu Sunshine Technology. Công ty này có trụ sở tại căn hộ Majestic Garden – thuộc sở hữu của bà Zhan, mẹ vợ Chu Bân, gần Quảng trường Olympic, Bắc Kinh, tài liệu điều tra của chính quyền Bắc Kinh
Sau năm đó, bà Zhan bỏ ra 4 triệu nhân dân tệ để thành lập một công ty khác – công ty Zhongxu Sunshine Energy Technology và nắm giữ 80% cổ phần. Ngay sau đó, công ty này bắt đầu làm ăn với Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), nơi Chu Vĩnh Khang từng làm quản lý trong thời gian dài. Hai công ty cùng thực hiện dự án nâng cấp hệ thống quản lý bán lẻ cho 8.000 trạm xăng tại một số tỉnh tuy nhiên không có bất kỳ hồ sơ đấu thầu nào dược tìm thấy, truyền thông Trung Quốc đưa tin.
Một số nguồn tin cho biết chiến thuật kinh doanh của Chu Bân thường là lấy được các dự án của chính phủ với giá rẻ sau đó bán lại với giá cao nhờ vào ảnh hưởng của cha mình.
Tạp chí Caixin cho biết năm 2007 và 2008, nhờ vào sự giúp đỡ của người bạn học cũ, Mi Xiaodong, Chu Bân đã thu lợi hơn 500 triệu nhân dân tệ nhờ vào việc bán dự án mỏ dầu Changyin và Changqing của tỉnh Thiểm Tây, đây là vụ làm ăn lớn nhất được biết đến tại thời điểm đó.
Caixin dẫn lời một nguồn tin – người cạnh tranh với Chu Bân trong nhiều dự án nói: “Có doanh nghiệp có thể thành công trong việc bán các mỏ dầu nhờ vào quan hệ cá nhân. Trong trường hợp này, ai có thể vượt mặt Chu Bân?”
Đến năm 2011, tổng tài sản của Zhongxu Sunshine Energy Technology đã lên đến 139 triệu nhân dân tệ và lợi nhuận hàng năm là 32,9 triệu nhân dân tệ.
Ở Tứ Xuyên, nơi Chu Vĩnh Khang từng làm Bí thư tỉnh ủy từ năm 2000 đến năm 2002, Chu Bân đã bước vào ngành công nghiệp điện cũng như bất động sản và các dự án du lịch.
Thông qua các đói tác kinh doanh của mình, công ty của Wu Bing, Chu Bân và Zhan Minli đã đầu tư vào 2 nhà máy thủ điện trên sông Dadu. Lợi nhuận hàng năm từ việc bán điện của mỗi nhà máy có thể đạt hơn 900 triệu nhân dân tệ, truyền thông đại lục đưa tin.
Liu Han trước vành móng ngựa
Chu Bân cũng đã giao dịch với cựu ông trùm mỏ Tứ Xuyên, Liu Han. Nhà tài phiệt Liu Han đã bị kết án tử hình vì tội giết người, kinh doanh sòng bạc, điều hành một nhóm mafia và buôn bán vũ khí trái phép.
Tờ Washington Post trước đó từng đưa tin Liu đã nhờ vả Chu Vĩnh Khang chăm sóc con trai. Chu Bân đã bán 1 công ty du lịch cho Liu với giá 12 triệu nhân dân tên vào năm 2004 mặc dù giá trị của nó chỉ bằng một nửa giá bán.
Vợ Chu Bân, Huang Wan cũng đóng vai trò quan trọng trong đế chế kinh doanh của chồng. Ví dụ, sau khi Huang có hứng thú với việc làm phim, một hãng phim đã ra đời vào năm 2009, trị giá 50 triệu nhân dân tệ đứng tên mẹ cô, bà Zhan Minli. Hãng phim này đã sản xuất một vài bộ phim truyền hình và phim điện ảnh, trong đó có 1 phim do Huang làm “giám đốc kế hoạch”. Đến năm 2011, hãng phim này dã đổi tên thành Zhongxu Shengshi Fenghua Investment, có khối tài sản là 128 triệu nhân dân tệ.
Trong những ngày đầu, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè và đối tác kinh doanh, Chu Bân cũng quay sang đầu tư vào bất đọng sản, tư vấn, kinh doanh trang thiết bị, khí thiên nhiên và nhiều lĩnh vực khác. Nhưng kinh doanh dầu vẫn luôn giữ vai trò chủ đạo.
Chu Bân không phải là thành viên duy nhất trong gia tộc này dựa hơi Chu Vĩnh Khang để làm giàu. Cả 2 người em trai Chu Vĩnh Khang là Zhou Yuanxing và Zhou Yuanqing cũng đã thu được khối tài sản khổng lồ.
Người dân địa phương cho biết Zhou Yuanxing - tốt nghiệp trung học cơ sở cùng con trai ông hiện đang điều hành một đại lý kinh doanh cho công ty rượu Wu Liangye. Họ chịu trách nhiệm phân phối rượu cho các công ty ở địa phương. Khi Chu Vĩnh Khang tiếp tục thăng tiến trong sự nghiệp, Zhou Yuanxing bắt đầu sử dụng danh tiếng của anh trai mình để vận động hành lang giúp các quan chức chính phủ.
Còn em út Zhou Yuanqing – cũng mới chỉ tốt nghiệp trung học, giữ chức Phó phòng tài nguyên và đất đai của huyện. Zhou Yuangqing bắt đầu trở thành cầu nối đưa nhiều quan chức cấp thấp đến với Chu Vĩnh Khang. Nhờ vậy mà vợ con của ông đã trở nên giàu có hơn.
Trong năm 2007, Zhou Lingying và con trai cô đã đầu tư 50 triệu nhân dân tệ để thành lập công ty Beijing Honghan Investment. Công ty này hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư năng lượng, quản lý đầu tư và phát triển công nghệ năng lượng…
Hu Xingdou, một nhà bình luận chính trị nói: “Nó rất ít bằng chứng chắc chắn cho thấy quyền lực của Chu Vĩnh Khang liên quan trực tiếp đến số tài sản được mô tả là “số tiền khổng lồ không rõ nguồn gốc” nhưng điều này khó thuyết phục được các quan chức cao cấp của chính phủ. Không có vấn đề gì, dù sao công chúng cũng luôn ủng hộ quyết định điều tra Chu Vĩnh Khang”.
Bảo Linh (Theo SCMP)