Tin mới

Những khu vực bí hiểm gây tò mò nhất trên thế giới

Thứ năm, 03/03/2016, 16:28 (GMT+7)

Từ một hòn đảo bị cô lập trên Thái Bình Dương cho đến một căn cứ điệp viên giống như trong loạt phim nổi tiếng về James Bond, 5 địa danh bí hiểm dưới đây bị cấm tuyệt đối với bên ngoài, kể cả với những du khách tò mò nhất.

Từ một hòn đảo bị cô lập trên Thái Bình Dương cho đến một căn cứ điệp viên giống như trong loạt phim nổi tiếng về James Bond, 5 địa danh bí hiểm dưới đây bị cấm tuyệt đối với bên ngoài, kể cả với những du khách tò mò nhất.

Những điều hấp dẫn nhất trong cuộc sống thường là những thứ ở ngoài giới hạn cho phép. Và với vai trò là những vị khách du lịch, điều này đồng nghĩa với việc chúng ta bị cuốn hút vào những nơi mà chúng ta không được phép ghé thăm. 5 địa danh dưới đây chẳng khác nào một sự trêu ngươi đối với du khách.

Hầm chứa hạt giống chống tận thế Svalbard, Na Uy

Hãy tưởng tượng một thảm họa tự nhiên kinh hoàng sẽ thay đổi vĩnh viễn thế giới của chúng ta: sự sống của con người trên Trái Đất bị hủy diệt, cơ sở hạ tầng bị phá hủy, các nguồn lương thực đều cạn kiệt. Nhiệm vụ của người duy nhất sống sót là: tái thiết thế giới.

Trong một kịch bản ngày tận thế được lấy cảm hứng từ các phim Hollywood, thế giới sẽ đi về đâu. Hầm chứa hạt giống chống tận thế Svalbard ở Na Uy chính là tấm phao cuối cùng của nhân loại để chống lại một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Nằm ở vị trí 100 m trên mực nước biển và sâu 150 m bên trong một ngọn núi băng vĩnh cửu ở đảo Spitsbergen, cách Bắc Cực 1.300 km, hầm chứa hạt giống Svalbard là nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất trên thế giới.

Hầm chứa hạt giống chống tận thế Svalbard, Na Uy

Chính thức hoạt động vào tháng 2/2008, hầm chứa hạt giống này nhằm chống lại thảm họa toàn cầu. Với 250 triệu hạt giống, cây trồng từ khắp nơi trên thế giới, được đóng trong 4 lớp túi đặc biệt và được lưu trữ ở nhiệt độ không đổi -18°C nhằm bảo quản chúng khỏi hư hỏng. Lớp băng vĩnh cửu tạo thành một chiếc tủ lạnh tự nhiên. Ngay cả khi không có điện, nhiệt độ trong hầm sẽ dần ổn định ở mức -8°C, đủ thấp để duy trì chất lượng hạt giống suốt nhiều thập kỷ.

Những biện pháp bảo vệ này nhằm giúp hạt giống không bị ảnh hưởng bởi sự cố, hỏng thiết bị, cắt giảm tài trợ và các thảm họa tự nhiên.

Có nhiều lý do để các nhà khoa học chọn đảo Spitsbergen: đảo này không bị rung chuyển bởi các hoạt động kiến tạo, có lớp băng vĩnh cửu bao bọc và cao 130 m so với mực nước biển, đảm bảo khu vực này sẽ luôn khô ráo và các hạt giống được an toàn, ngay cả khi hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến các tảng băng bị tan. Vì vậy, Spitsbergen là lựa chọn hoàn hảo nhất. Trên thực tế, các nghiên cứu để chỉ ra rằng, hạt giống có thể sống sót tại đây hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn năm.

Tuy nhiên, nếu không phải là một nhà nghiên cứu hoặc người ươm giống, bạn sẽ không bao giờ có thể đặt chân vào địa hạt này.

Đảo Ni'ihau, Hawaii

Ni'ihau, hòn đảo bé nhất có người Hawaii sinh sống. Đây cũng là nơi sinh sống lý tưởng của nhiều loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng như vịt Hawaii, sâm cầm Hawaii, hải cẩu thầy tu Hawaii... Tuy nhiên, đây lại không phải điểm đến dành cho khách du lịch bởi hòn đảo rộng 180 km2 ở Thái Bình Dương này hoàn toàn hạn chế đối với người ngoài.

Hòn đảo này được vua Hawaii là Kamehameha bán cho gia đình Robinson - những người chủ đồn điền giàu có vào năm 1863. Kể từ năm 1915, gia tộc này đã cấm người ngoài đặt chân lên đảo. Cuộc sống trên đảo hoàn toàn cô lập và kỳ lạ: nơi đây có khoảng 130 cư dân thường trú, vốn là những thổ dân Hawaii, họ sống tự do, họ không có những con đường lát đá, không có điện thoại, hệ thống ống nước, vòi nước hay các cửa hàng. Ngựa và xe đạp được sử dụng để vận chuyển, nguồn điện đến từ năng lượng mặt trời và các xà lan chuyên chở hàng hóa từ một hòn đảo gần đó là Kaua'i.

"Trẻ em ở Ni'ihau hàng tuần đều đi xuống đến Kauai để đi học", Bennett McEwan giải thích.

Ni'ihau là hòn đảo hoàn toàn cô lập ở Thái Bình Dương. Ảnh: Getty

Mặc dù diện tích nhỏ bé, song hòn đảo này đóng vai trò khá quan trọng trong lịch sử. Đây chính là khu vực xảy ra sự cố Ni'ihau năm 1941. Sau cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng phi công hải quân Nhật Bản đã đâm xuống hòn đảo và khủng bố tinh thần những người dân nơi đây trong suốt 1 tuần. Năm 1944, Tổng thống Mỹ Franklin D Roosevelt từng xem xét Ni'ihau như địa điểm đặt trụ sở Liên Hợp Quốc.

Cho đến ngày nay, hòn đảo này vẫn bị hạn chế. Cảnh sát biển tuần tra thường xuyên để đảm bảo không ai có thể lên đảo. Cũng không một người nào được phép vào thăm nếu không nhận được lời mời từ cư dân trên đảo.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều cách để những du khách khôn ngoan có thể trông thấy hòn đảo bị cấm này. Năm 1987, dịch vụ săn bắn trên đảo đã được mở, song phải nhận được lời mời từ những nhà vận hành tour sinh sống trên đảo. Bởi vậy, cách để tiếp cận hòn đảo một cách gần nhất chỉ là ngồi trên trực thăng bay trên đảo hoặc ngồi thuyền và ngắm nó từ đằng xa.

Căn cứ không quân hoàng gia Menwith Hill, Anh

Nếu điệp viên James Bond có một căn hầm bí mật, thì căn cứ không quân này cũng chính là một dạng như vậy. Là một căn cứ quân sự nằm ở North Yorkshire, Vương quốc Anh, căn cứ không quân hoàng gia Menwith Hill được cho là trạm giám sát điện tử lớn nhất trên thế giới, chặn các thông tin liên lạc để thu thập thông tin tình báo cho Anh và Mỹ.

Căn cứ bí mật hàng đầu này được xây dựng vào năm 1954 để theo dõi thông tin của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Không ai biết chính xác ngày nay căn cứ này được sử dụng như thế nào, nhưng nó được cho là điều tra các hành động khủng bố quốc tế, hoạt động buôn bán ma túy, đồng thời đóng vai trò là trạm mặt đất cho các vệ tinh Mỹ. Nó cũng được cho là có mối quan hệ chặt chẽ với ECHELON, còn được biết đến với tên gọi Ngũ nhãn, mạng lưới gián điệp toàn cầu bao gồm Australia, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ.

Căn cứ không quân hoàng gia Menwith Hill được cho là trạm giám sát điện tử lớn nhất trên thế giới. Ảnh: Getty

Tin xấu cho những người yêu thích điệp viên James Bond và John Le Carre là sẽ không có cách nào để thâm nhập và chứng kiến các hoạt động bên trọng của trung tâm tình báo thực này. Chỉ có những thành viên của NSA (Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ) và ECHELON mới có thể vào đây.

Văn khố mật Vatican

Có thể là thư viện tư lớn nhất thế giới, song Văn khố mật Vatican cũng không giống như những thư viện bình thường. Nó chứa tài liệu các nhân của tất cả các giáo hoàng từ thế kỷ 8.

Văn khố này hoàn toàn đóng cửa với bên ngoài cho đến năm 1881, khi Giáo hoàng Leo XII cho phép mở cửa trở lại để phục vụ nghiên cứu. Trước đó, nó là một thách thức đối với những người có mong muốn được khám phá.

Văn khố mật Vatican - thư viện tư lớn nhất thế giới. Ảnh: Getty

Chỉ có những học giả có trình độ mới có thể viết đơn để vào nơi này. Đơn đề nghị phải ghi rõ thông tin cá nhân, mục đích nghiên cứu, thư giới thiệu từ viện nghiên cứu hoặc từ một học giả có trình độ trong nghiên cứu lịch sử.

Văn khố này ước tính chứa khoảng 52 dặm (84 km) chiều dài kệ sách, khoảng 35.000 chủ đề. Vì mang tính "mật" nên không có bộ lọc phân loại chung, các nhà nghiên cứu phải cung cấp chính xác tên tài liệu mà họ muốn xem và phải được Phòng Tra cứu tư vấn, không được phép sao chép, ghi nhận một phần hay toàn bộ văn kiện nào trong kho.

Khu vực 51 tối mật, Nevada

Theo tài liệu của CIA, thuật ngữ Khu vực 51 lần đầu tiên được sử dụng trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Nơi đây là một căn cứ quan trọng và sân bay ở đó được biết đến là bí mật cấp cao của nhà nước.

Khu vực 51 tối mật, Nevada của CIA. Ảnh: Getty

Những gì đang xảy ra tại căn cứ này? Đó là điều mà CIA không bao giờ cung cấp, bởi vậy có rất nhiều thuyết âm mưu về hoạt động của khu vực này. Họ phân tích các đĩa bay bị rơi của người ngoài hành tinh? Sản xuất laser hoặc vũ khí hạt chùm? Thử nghiệm máy bay?

Sự thật là, chúng ta sẽ không bao giờ biết chính xác. Tất cả các hoạt động trong khu vực 51 được coi là bí mật hàng đầu và nghiêm cấm người ngoài tiếp cận. Mặc dù vậy, vẫn có rất nhiều người đang cố gắng khám phá bí mật này.

Lê Huyền (BBC)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news