Tin mới

Những lỗ hổng tình báo khiến điệp vụ giải cứu hai nhà báo của Mỹ bị tê liệt

Thứ hai, 08/09/2014, 09:34 (GMT+7)

Báo Wall Street Journal đã tìm cách dựng lại quá trình lên kế hoạch, chuẩn bị và thực hiện cuộc giải cứu con tin thông qua việc phỏng vấn các quan chức, các nhà ngoại giao, kể cả đương chức và đã về hưu; những người có thông tin về các con tin. Toàn bộ thông tin thu thập được cho thấy chiến dịch giải cứu là một ván cờ được tính toán kỹ lưỡng, dưới sức ép căng thẳng về thời gian.

Báo Wall Street Journal đã tìm cách dựng lại quá trình lên kế hoạch, chuẩn bị và thực hiện cuộc giải cứu con tin thông qua việc phỏng vấn các quan chức, các nhà ngoại giao, kể cả đương chức và đã về hưu; những người có thông tin về các con tin. Toàn bộ thông tin thu thập được cho thấy chiến dịch giải cứu là một ván cờ được tính toán kỹ lưỡng, dưới sức ép căng thẳng về thời gian.

Một đêm không trăng đầu tháng 7, các lính đặc nhiệm xuất sắc của Lực lượng Delta đổ bộ xuống một kho dầu ở miền Đông Syria để giải cứu các con tin, trong đó có hai nhà báo Mỹ vừa bị hành quyết bởi Nhà nước Hồi giáo (IS).

Theo kế hoạch, nhóm đặc nhiệm sẽ vô hiệu hóa những tên khủng bố đứng gác, lùng soát một nhà tù tạm, tìm hai nhà báo Mỹ James Foley và Steven Sotloff cùng các con tin khác, rồi rời đi an toàn trong thời gian dự tính là 20 phút.

Tuy nhiên, hơn 60 phút sau đó, đội đặc nhiệm quay trở về nơi xuất phát ở ngoài lãnh thổ Syria mà không có bất cứ con tin nào đi cung. "Đó chỉ là cái giếng khô", một quan chức cấp cao của quân đội Mỹ nói, sử dụng thuật ngữ ám chỉ việc không tìm thấy mục tiêu.

Ván cờ được tính toán kĩ lưỡng

Sau khi vướng vào cuộc nội chiến ở Syria, Tổng thống Obama luôn bày tỏ sự thận trọng trước bất cứ hành động can thiệp nào bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ. Điều này phản ánh lo ngại của ông về việc một sự can thiệp nhỏ cũng sẽ khiến Mỹ sa vào một cuộc xung đột lớn ở Trung Đông và có khả năng đụng chạm tới luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, sau một thời gian, Nhà Trắng ngày càng nghiêng về việc đóng vai trò lớn hơn ở Syria và Iraq, thúc đẩy các hoạt động trên bộ. Hai năm sau khi rút quân hoàn toàn khỏi Iraq, Tổng thống Obama lại bí mật đồng ý nối lại các chuyến bay giám sát doanh trại của IS ở nước này, khu vực gần biên giới với Syria. IS cũng là một trong những nhóm chiến đấu có hiệu quả với lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

 

Vị trí được khoanh tròn là khu vực nghi nơi Nhà nước Hồi giáo giam con tin

Tháng 6, sau khi phiến quân IS chiếm Mosul, thành phố lớn thứ hai ở Iraq, Lầu Năm Góc quyết định điều cố vấn quân sự tới Baghdad và cho phép cái gọi là các chuyến bay giám sát "xâm nhập" vào Syria. Tuy nhiên ngay sau đó, các lãnh đạo Lầu Năm Góc đã rút lại quyết định này bởi họ e rằng Nhà Trắng sẽ không cho phép bởi việc xâm nhập không phận Syria là vi phạm chủ quyền nước này và khiến Mỹ dính dáng nhiều hơn vào cuộc nội chiến. Đề nghị duy nhất về việc bay trinh sát ở Syria được Lầu Năm Góc đưa ra ngay trước lúc sứ mệnh giải cứu con tin bắt đầu.

Các quan chức biết rằng con tin sẽ đối mặt với nguy cơ lớn hơn một khi Tổng thống Obama ra lệnh không kích nhằm vào IS. Họ tin một quyết định như vậy sắp xảy ra, và nó sẽ thu hẹp cánh cửa đối với bất kỳ cuộc đột kích nào để giải cứu con tin.

Họ còn lo ngại rằng, đưa máy bay không người lái xuất hiện trước khi đột kích dù giúp Washington nắm rõ hơn về những cơ sở của IS nhưng nó cũng có thể là điềm báo trước cho nhóm phiến quân và đe dọa tính mạng con tin. Những người lập kế hoạch giải cứu kết luận rằng khả năng các con tin có thể sống sót là rất thấp, do đó một cuộc đột kích may rủi là lựa chọn tốt nhất.

"Đó là quyết định khó khăn", một quan chức kể lại.

Như vậy, chiến dịch giải cứu đã được lên kế hoạch và quyết định trong bối cảnh thiếu thông tin tình báo về thực địa trên đất Syria.

Tái diễn mô hình tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden 

Hình mẫu cho cuộc đột kích cứu con tin lần này chính là chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden ở Pakistan năm 2011. Mặc dù các quan chức quốc phòng và chính phủ Mỹ đã cảnh báo rằng áp dụng hình mẫu này là một canh bạc nguy hiểm bởi khả năng thành công rất thấp, mức độ nguy hiểm cho người thực hiện cao và đe dọa trực tiếp mạng sống của các con tin.

Đầu mùa hè, các cơ quan tình báo Mỹ thu hẹp phạm vi tìm kiếm các con tin người Mỹ xuống chỉ còn tòa nhà nhỏ gần một cơ sở sản xuất dầu ở Đông Nam Raqqa, một thành trì của IS. Tổng thống Obama bí mật cho phép lực lượng đặc nhiệm bắt đầu sứ mệnh giải cứu. Nhiệm vụ này do Lầu Năm Góc dẫn đầu cùng với sự hỗ trợ từ Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA).

Mục tiêu chính là một căn nhà trong cơ sở khai thác dầu nói trên. Các con tin đã ở đó được vài tháng. Căn nhà có ít nhất 4 phòng rộng để giam con tin, làm phòng bếp và nhà tắm.

Để chuẩn bị cho nhiệm vụ đặc biệt, các lính đặc nhiệm thuộc Lực lượng Delta đã tập luyện trong nhiều tuần tại căn cứ ở bang Bắc Carolina. Bối cảnh tập luyện được được thiết lập dựa trên thông tin tình báo, trong đó có một nhà giam tạm nằm giữa các container, tháp khoan dầu và các kiến trúc khác trên sa mạc hoang vắng.

Họ còn chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ như các tòa nhà có đặt bẫy và có số lượng lớn phiến quân canh gác con tin. Lực lượng Delta từng gánh chịu thất bại năm 1993 trong cuộc đột kích "Black Hawk Down" ở Somalia và Mỹ lo ngại sứ mệnh lần này ở Syria cũng có những nguy cơ tương tự.

Nhóm đặc nhiệm kiên trì luyện tập và chờ lệnh lên đường.

"Đã có nhiều buổi tập. Họ đã sẵn sàng. Vấn đề còn lại là đợi quyết định. Họ sẽ xuất phát ngay khi quyết định được đưa ra", một quan chức quốc phòng kể.

Chiến dịch giải cứu bất thành

Theo một nguồn tin thân cận của tình báo Mỹ, những con tin, trong đó có hai nhà báo James Foley và Steven Sotloff chắc chắn được giam giữ tại kho dầu ở miền Đông Syria. Lực lượng đặc nhiệm cũng tìm thấy nhiều bắng chứng chứng minh sự hiện diện của các con tin sau khi đột nhập căn cứ này.

"Nỗ lực cứu hộ không gặp sự trì hoãn vì nguyên nhân chủ quan nào. Tôi có thể đảm bảo với mọi người rằng từ thời điểm bắt đầu, mệnh lệnh đã được trao cho các chỉ huy, bao gồm bộ trưởng và tổng thống, và thời gian thực hiện rất ngắn. Chưa đầy hai ngày",  John Kirby, người phát ngôn Lầu Năm Góc nói.

Một chiến dịch giải cứu được lên kế hoạch kĩ lưỡng nhưng vẫn thất bại do còn tồn tại những lỗ hổng tình báo

Mỹ hy vọng sẽ bắt đầu cuộc tấn công từ một căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi dễ dàng tiến vào Raqqa. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ có mối lo riêng về các con tin nên không đồng ý. Washington buộc phải đưa quân đến một quốc gia khác trong khu vực để hoàn tất chuẩn bị những bước cuối cùng. Nước này chấp thuận đề nghị của Mỹ với điều kiện không bị tiết lộ danh tính.

Đêm 3/7, các đặc vụ tham gia chiến dịch giải cứu xuất phát. Bầu trời không có trăng, thích hợp để tiến hành những sứ mệnh quan trọng và có tính rủi ro cao.

Do không chắc sẽ gặp phải sự kháng cự thế nào, Lầu Năm Góc điều một lực lượng đặc biệt lớn gồm hàng chục lính biệt kích. Nếu thành công, họ có thể mang về các con tin cùng bằng chứng cụ thể.

Một Đội Phản ứng nhanh lớn hơn được đặt trong tình trạng báo động để sẵn sàng ứng phó khi có rắc rối, ví dụ như IS tấn công từ Raqqa. Các chiến đấu cơ được tiếp nhiên liệu đầy đủ và sẵn sàng chiến đấu. Chính quyền Mỹ giữ tuyệt mật về chiến dịch, chỉ thông báo cho một số ít các nhà lập pháp thông tin tối thiểu.

Cuộc đột kích diễn ra ngay sau nửa đêm. Sau khi đổ bộ xuống tòa nhà mục tiêu, nhóm biệt kích nhanh chóng tiêu diệt những tên khủng bố đối đầu họ. Một binh sĩ Mỹ bị thương nhẹ.

Nhóm biệt kích chỉ được phép đổ bộ trong chưa đầy 20 phút nhưng vẫn quyết định tìm kiếm toàn bộ tòa nhà. Họ ở lại trong hơn 60 phút, tìm được những bằng chứng cho thấy các con tin từng bị giam tại đây.

Thế nhưng, họ đã đến quá trễ. Dường như nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo đã di chuyển các tù nhân 72 giờ trước đó. Giới chức Mỹ không tin nhóm phiến quân đã được mật báo kế hoạch giải cứu, tuy nhiên, họ cũng không loại trừ khả năng này.

Hai cuộc hành quyết làm tan biến mọi do dự của Nhà Trắng

Mỹ cố xác định xem tại sao nhóm khủng bố lại chuyển con tin vào phút cuối. Washington không thấy có dấu hiệu nào cho thấy IS đã được "đánh động" trước, nhưng không loại trừ khả năng này.

Ngày 8/8, Mỹ bắt đầu chiến dịch không kích nhằm vào phiến quân IS ở miền bắc Iraq do lo ngại nhóm này có thể chiếm Erbil, thủ phủ khu tự trị người Kurd. Giới chức Mỹ nói ông Obama cùng quan chức quốc phòng nước này biết rõ chiến dịch này sẽ làm giảm khả năng sống sót của con tin.

Sau khi đoạn video hành quyết nhà báo Foley được công bố, Nhà Trắng đã không còn bất cứ do dự nào trong việc xâm nhập vào không phận Syria 

Ngày 19/8, IS đăng tải đoạn video chặt đầu nhà báo Foley lên mạng Internet. Chúng còn đe dọa sẽ giết nhà báo Steven Sotloff nếu Tổng thống Obama tiếp tục tấn công sào huyệt của chúng. Ngay sau đó, chính quyền Obama đã tiết lộ về cuộc giải cứu bất thành tới thân nhân các con tin, vài giờ trước khi công bố với truyền thông.

Sau khi đoạn video hành quyết nhà báo Foley được công bố, sự do dự của Nhà Trắng trong việc xâm nhập vào không phận Syria hoàn toàn biến mất. Vài ngày sau, Tổng thống Obama chấp thuận gửi máy bay không người lái và máy bay do thám U-2 tới quốc gia Trung Đông này.

"Đoạn video thay đổi các dự tính. Nó thay đổi khá nhiều và gần như ngay lập tức", một quan chức Mỹ nói.

Ngày 2/9, phiến quân IS công bố video cắt đầu nhà báo Mỹ thứ hai, Steven Sotloff. IS được cho là đang giam cầm khoảng 20 con tin là người phương Tây và tiếp tục đe dọa giết một con tin người Anh trong tay chúng.

Mỹ và các nước đồng minh sắp công bố kế hoạch tấn công nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo, đồng thời giải cứu cho các con tin vẫn còn bị giam giữ. Các máy bay không người lái của Mỹ đang tiếp tục trinh sát Syria, nỗ lực tìm kiếm những mục tiêu để không kích và hy vọng giải thoát những con tin còn lại khỏi các cuộc hành quyết man rợ của nhóm Hồi giáo cực đoan này.

 

Yên Yên (Nguồn: Wall Street Jounal)

Theo Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news