Với tham vọng trở thành quốc gia đầu tiên trong mọi khám phá, người Liên Xô đã đặt mục tiêu đào tới trung tâm Trái đất như một phần khởi đầu của tham vọng. Ngày 24/5/1970, dự án Kola Superdeep Borehole (Siêu lỗ khoan Kola), còn gọi với biệt danh 'Cánh cổng dẫn tới Địa Ngục' hay 'Lỗ địa ngục' đã được triển khai.
24 năm miệt mài khoan sâu hơn 12km xuống lòng đất cho thấy sự đầu tư khổng lồ về sức người, chi phí của người Liên Xô cho cuộc đua với người Mỹ.
Sau gần 1 thập kỷ miệt mài, lỗ khoan SG-3 của dự án đã phá vỡ tất cả các kỷ lục thế giới khác về độ sâu khoan, trong đó đánh bại lỗ khoan Bertha Rogers Hole ở Oklahoma, của Mỹ ở độ sâu 9.583 m. Và đến 1989, lỗ khoan đạt độ sâu 12.262 m và không thể khoan sâu hơn như kỳ vọng 15.000 m, do vấn đề kỹ thuật.
Độ sâu của nó còn hơn cả chiều cao của Everest - đỉnh núi cao nhất hành tinh. Ảnh minh hoạ
Mũi khoan đã gặp phải đá nóng tới 180 độ C, là thách thức kĩ thuật lớn lúc bấy giờ, khiến những thợ khoan bó tay.
Dù vậy đây vẫn là hố nhân tạo thẳng đứng vào loại sâu nhất thế giới, gây kinh thiên động địa lúc bấy giờ. Siêu hố sâu Kola được người dân Liên Xô thời bấy giờ đánh giá rất cao. Năm 1987, Liên Xô in một số tem có hình ảnh của giàn khoan nhằm kỷ niệm nỗ lực của đội kỹ sư thực hiện dự án khổng lồ này. Sau khi Liên Xô tan rã, với nhiều lý do, dự án khoa học bị đình chỉ.
Mặc dù đội kỹ sư Liên Xô không đạt được mục tiêu khoan sâu 15km, tuy nhiên, dự án tuyệt với này đã cung cấp cho các nhà khoa học một số khám phá lớn.
Giới khoa học đã biết thêm một chút về cấu trúc của hành tinh, thậm chí, họ còn thấy được các hóa thạch sinh vật phù du vi mô ở hố khoan.
Phát hiện đáng ngạc nhiên nhất là không có sự chuyển đổi từ đá granit sang đá bazan ở độ sâu 3 - 6 km như dự đoán theo lí thuyết "sự gián đoạn Conrad". Mũi khoan tại Kola chưa bao giờ gặp phải lớp bazan như dự tính. Thay vào đó, đá granit được tìm thấy kéo dài ra ngoài mốc 12 km.
Các nhà khoa học cũng phát hiện hoạt động sinh học trong những tảng đá hơn 2 tỉ năm tuổi, ở độ sâu 6 km. Bằng chứng rõ ràng nhất về sự sống là 25 loài hóa thạch sinh vật phù du cực nhỏ, được bọc trong các hợp chất hữu cơ trầm tích vẫn nguyên vẹn đáng kinh ngạc. Điều này mở ra cho các nhà khoa học giả thiết, sinh vật sống có thể chịu được sức ép cũng như nhiệt độ nóng để thích nghi trong lòng đất.
Sau khi dự án bị đình chỉ, lỗ khoan được bịt lại. Ảnh: Universityfox.
Từ độ sâu khoảng 3.000 m, nhiệt độ tăng cao hơn dự đoán và đạt đến 180°C ở đáy hố. Đây là một sự khác biệt lớn so với nhiệt độ dự kiến 100°C. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng có nước ở độ sâu 12 km, mặc dù điều này trước đây được cho là không thể.
Một bất ngờ khác, mật độ đá bắt đầu giảm từ độ sâu 4.500 m. Quá độ sâu này, đá có độ xốp và độ thấm lớn hơn, kết hợp với nhiệt độ cao, khiến đá giống như một chất dẻo hơn là một chất rắn nên khiến việc khoan gần như không thể thực hiện được.
Ngoài những phát hiện khoa học trên, một số thông tin được cho xuất phát từ những người từng tham gia thực hiện dự án còn tiết lộ về một hiện tượng có vẻ ma quái, rung rợn. Đó là việc mũi khoan bỗng nhiên quay cuồng mộ cách điên rồ, không kiểm soát.