Đa phần, các 'hồ tử thần' đều có độ mặn cực cao và được phát hiện ở khu vực Biển Đỏ, cách bờ ít nhất 25km.
Dù vậy, mới đây các nhà khoa học đã bất ngờ phát hiện ra một 'hồ tử thần' ở vịnh Aqaba (phía Bắc Biển Đỏ) chỉ cách bờ khoảng 2km.
Trưởng khoa Địa chất hải dương học tại Đại học Miami - Sam Purkis cùng các cộng sự của mình là người đã phát hiện ra nhóm 'hồ tử thần' ở vinh Aqaba. Đây là khu vực trước đây vốn được ít chú ý đến.
Nhóm khoa học tại đây đã phát hiện 4 hố tử thần với độ sâu khoảng 1,77km dưới mặt Biển Đỏ. Hồ lớn nhất rộng khoảng 10.000m2 trong khi 3 hồ còn lại khá nhỏ và có diện tích chưa đến 10m2.
Những hồ tử thần dưới biển sâu được xem là vùng nước cực mặn hoặc siêu mặn. Chúng được xem là nơi khoáng chất tích tụ trong thời gian dài dưới đáy biển, có chứa một số thành phần hóa học lạ và gần như không có oxy.
Bất kỳ loài động vật nào đi lạc vào vùng nước này sẽ nhanh chóng bị choáng hoặc tử vong. Một số sinh vật biển thường ẩn nấp gần hồ để ăn thịt những con vật kém may mắn.
'Điều thú vị là một số loài cá, tôm và lươn dường như biết cách lợi dụng hồ nước mặn để săn mồi', ông Purkis chia sẻ thêm trên Mirror.
Cũng theo vị chuyên gia này, mặc dù nguy hiểm nhưng các hồ tử thần vẫn ẩn chứa sự sống và có thể cung cấp hiểu biết về cách mà sự sống bắt đầu trên Trái Đất.
Chuyên gia này cho rằng sự sống đầu tiên trên trái đất bắt nguồn từ vùng biển sâu, chắc chắn là trong điều kiện thiếu oxy và gần như không có oxy.
Trên thế giới chỉ có 3 vùng biển có 'hồ tử thần' là vịnh Mexico, biển Địa Trung Hải và Biển Đỏ. Có một vài 'hồ tử thần' rất lớn và có diện tích lên đến hàng nghìn mét vuông đến khoảng 2,6km2.
Đa phần các hồ này hình thành từ khoáng chất lắng đọng trong thế Trung Tân, cách đây khoảng 5-23 triệu năm trước.