Tin mới

Nicholas Winton - "Hiệp sĩ" cứu 669 đứa trẻ Do Thái - qua đời

Thứ năm, 02/07/2015, 09:41 (GMT+7)

Nicholas Winton, người anh hùng thầm lặng đã cứu 669 đứa trẻ Do Thái thoát khỏi lưỡi hái tử thần và giữ kín điều này trong suốt 50 năm.

Nicholas Winton, người anh hùng thầm lặng đã cứu 669 đứa trẻ Do Thái thoát khỏi lưỡi hái tử thần và giữ kín điều này trong suốt 50 năm.

Nicholas Winton tên thật là Nicholas Wertheimer, sinh ngày 19/05 năm 1909 tại West Hampstead, Anh Quốc trong một gia đình Do Thái.

Nicholas Winton bế trên tay một đứa trẻ được ông giải cứu

Vào năm 1938, Đức Quốc Xã tiến quân vào Czechoslovakia (ngày nay là cộng hòa Séc). Những người Do Thái ở đây đã tìm mọi cách để sang Mỹ, Anh, Pháp, Palestine,… nhưng tất cả những cánh cửa biên giới đều đóng lại với họ. Lúc này, Nicholas Winton đang đi nghỉ tại dãy Alps, Thụy Sĩ thì nhận được điện thoại từ một người bạn: “Mình có một nhiệm vụ thú vị và cần cậu giúp đỡ. Mang cả ván trượt của cậu tới nhé nếu muốn”. Vậy là chàng trai Nicholas Winton khi ấy 29 tuổi đã quyết định gia nhập ủy ban hỗ trợ người tị nạn. Sau đó ông tới Tiệp Khắc với tư cách thành viên đại diện. Chứng kiến hàng ngàn người tị nạn sống trong điều kiện khủng khiếp, đặc biệt là những đứa trẻ Nicholas nghĩ mình cần phải làm gì đó để cứu họ.

Tháng 10/1938, sau hiệp định Munich giữa Đức và các cường quốc Tây Âu, Đức quốc xã đã thôn tính một phần lớn phía Tây Tiệp Khắc. Những người Do Thái đứng trước nguy cơ bị tàn sát đẫm máu. Nicholas bắt đầu tìm cách để đưa những đứa trẻ đến nơi an toàn. Nhưng khi ấy, tất cả những nơi ông gõ cửa đều từ chối, chỉ có Anh quốc là hồi âm tích cực với điều kiện mỗi đứa trẻ muốn qua biên giới phải trả 50 pounds.

Bức tượng của Nicholas Winton cùng 2 đứa trẻ được đặt tại nhà ga trung tâm Prague, nơi hàng trăm trẻ em được cứu thoát khỏi lưỡi hái tử thần

Đầu năm 1939, Nicholas Winton biến phòng khách sạn ở thủ đô Prague của mình thành trạm trung chuyển trẻ em về Anh. Sau một thời gian hoạt động hiệu quả, Winton chuyển tới đường Vorsilska, nằm trong một ngôi nhà điển hình của Prague  - Núp dưới danh nghĩa một văn phòng môi giới chứng khoán. Hàng ngàn ông bố bà mẹ người Do Thái đã tới đây mỗi ngày với hy vọng con cái mình được đưa tới nơi an toàn.

Nicholas kêu gọi chính phủ Anh cung cấp tiền và phương tiện để vận chuyển rồi in hình những đứa trẻ lên các tờ báo Anh để chuyển đến những gia đình có mong muốn nhận con nuôi Tiệp Khắc. Ban ngày, ông làm việc giao dịch chứng khoán, chiều tối, ông làm công việc cứu hộ.

Ngày 14/03 năm 1939, Nicholas đã đưa nhóm trẻ em đầu tiên lên máy bay tới Anh, chỉ một ngày trước khi Đức chiếm đóng Tiệp Khắc.  Họ đã thành công với 8 chuyến tàu được khởi hành tới Anh quốc đi qua Đức và Pháp, nơi những đứa trẻ có được sự an toàn và một ngôi nhà mới. Chuyến tàu thứ 9 – chuyến tàu cuối cùng đã không đến được Anh bởi chiến tranh đã nổ ra vào ngày 1 tháng 9 năm 1939.

Nicholas Winton và các đồng sự của mình đã giải cứu thành công 669 trẻ em Tiệp Khắc trước khi trở lại quê nhà.Sau đó ông tình nguyện gia nhập Hồng Thập Tự, gia nhập quân đội và ra chiến trường để cứu chữa các thương binh. Sau Hồng Thập Tự ông chuyển sang không quân và gia nhập Không quân Hoàng Gia, tiếp tục chiến đấu đến khi hết chiến tranh và tiếp tục làm các hoạt động nhân đạo khác.

Điều đặc biệt là ông đã giấu kín chuyện này suốt 50 năm. Bản thân ông cũng không nhắc gì về việc đó, bản thân các em nhỏ cũng không hề biết được ai đã đứng phía sau để cứu mạng mình.

Mãi cho đến nhiều năm sau, vợ ông, bà Grete đã vô tình tìm thấy cuốn sổ nhật ký ghi lại thông tin và hình ảnh của nhiều trẻ em được giải cứu năm đó trên căn gác mái của gia đình. Ngày nay, tất cả các tư liệu đó đang được lưu giữ tại Nhà tưởng niệm các anh hùng và liệt sĩ Yad Vashem, Israel.

[mecloud]cktOMD5kuW[/mecloud]

Đến năm 1988, khi đài BBC tìm hiểu ra câu chuyện và mời ông đến một chương trình đặc biệt. Tất cả khán giả ngồi xung quanh ông là những trẻ em năm xưa ông đã cứu mạng. Họ nay đã già, có con, có cháu… con số nhân lên khoảng 15.000 người, không ai trong số họ tồn tại nếu không có ông. Khi người dẫn chương trình hỏi rằng "Ai đã từng được Nicholas Winton cứu sống năm xưa?" Toàn bộ khán đài đều đứng dậy, đó được coi là khoảnh khắc xúc động nhất của lịch sử truyền hình Anh Quốc.

Nicholas Winton đã nhận được nhiều lời cảm ơn về những hành động nhân đạo của mình. Ông nhận được một lá thư cảm ơn từ Ezer Weizman, cựu tổng thống Israel. Ông trở thành công dân danh dự của Prague. Năm 1993, Nữ hoàng Elizabeth II trao tặng ông danh hiệu MBE, và ngày 28/10/1998, tổng thống của Cộng hòa Séc trao tặng ông Huân chương TG Masaryk tại Hradcany Castle cho những thành tích anh hùng.

Câu chuyện của ông đã được dựng lại thành một phim vào năm 2011 với tựa Nicky’s Family

Năm 2003, ông được nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ (một tước hiệu cao quý của Anh), tại Czechoslovakia ông được xem là anh hùng dân tộc và được chính tổng thống Cộng hòa Séc trao tặng huân chương Sư tử trắng (Order of the White Lion) – huân chương cao quý nhất của Cộng hòa Séc.

Tháng 11 năm 2014, ông nhận danh hiệu sư tử trắng do tổng thống cộng hòa Séc trao tặng và được ghi danh là vị anh hùng của dân tộc Tiệp Khắc.

Người anh hùng thầm lặng của nước Anh đã qua đời ngày 1/7/2015 ở tuổi 106. Thủ tướng Anh David Cameron đã bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của ông: "Thế giới đã mất đi một vĩ nhân. Chúng ta không bao giờ quên được sự nhân đạo của Ngài Nicholas Winton trong việc cứu nhiều đứa trẻ khỏi sự hủy diệt".

Bảo Linh (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news