Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ ở Israel đến Jerusalem, một địa điểm gây tranh cãi. Quyết định này được đánh giá là chưa từng có trong Chính sách của Mỹ và có nguy cơ gây chấn động Trung Đông.
Reuters đưa tin, Tổng thống Trump hôm 5/12 đã gọi điện cho một số nhà lãnh đạo Ả rập gồm Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Quốc vương Jordan Abdullah, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và Quốc vương Ả rập Xê út Salman để nói rằng ông vẫn giữ ý định dời đại sứ quán Mỹ ở Israel đến Jerusalem.
Theo các quan chức cấp cao Mỹ, theo dự kiến, hôm nay (6/12), Tổng thống sẽ tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, nhưng hoãn chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến trong 6 tháng nữa và dự định yêu cầu các trợ lý lên kế hoạch ngay lập tức. Chính quyền Trump cần thời gian để giải quyết các vấn đề hậu cần như là đảm bảo an toàn cho đại sứ quán và nơi ở của các nhân viên ở Jerusalem.
"Tổng thống có quan điểm khá là vững chắc về điểm này", phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cho hay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (ngoài cùng bên phải). Ảnh: EPA |
Các lãnh đạo Ả rập đều cảnh báo rằng, các động thái đơn phương của Mỹ liên quan đến Jerusalem là hành động "nguy hiểm" và sẽ hủy hoại nỗ lực hòa bình do Mỹ dẫn đầu và gia tăng bất ổn ở Trung Đông.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cảnh báo "những hậu quả nguy hiểm mà quyết định đó gây ra với tiến trình hoà bình và an ninh, ổn định của khu vực và thế giới". Ông Abbas cũng kêu gọi Giáo hoàng, các lãnh đạo Nga, Pháp và Jordan can thiệp.
Cung điện Vua Jordan cho biết việc Trump chuyển đại sứ quán sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng với khu vực, cản trở nỗ lực của Mỹ trong thúc đẩy hoà đàm giữa Israel và Palestine.
Vua Salman nhấn mạnh bất kỳ tuyên bố nào của Mỹ về tình trạng của Jerusalem sẽ "làm bùng lên tình cảm của người theo Hồi giáo trên khắp thế giới".
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã liên tiếp cảnh báo bất kỳ hành động đơn phương nào cũng tiềm ẩn khả năng gây hại đến giải pháp hai nhà nước.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng cảnh báo sẽ cắt quan hệ ngoại giao với Israel nếu Tổng thống Trump công nhận Jerusalem.
Thành cổ Jerusalem. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, giới chức Israel đã hoan nghênh quyết định này của Tổng thống Trump và cho biết Israel đã sẵn sàng cho bất cứ kịch bản nào có thể xảy ra.
Jerusalem có ý nghĩa quan trọng với một số tôn giáo, trong đó có Do Thái giáo, Hồi giáo và Cơ Đốc giáo. Một số nơi linh thiêng đối với mỗi tôn giáo này đều có ở Jerusalem, và địa điểm cả ba tôn giáo đều tôn kính là Núi Đền.
Israel chiếm Đông Jerusalem trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô không bị chia cắt. Phía Palestine cho rằng Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai.
Mỹ đặt đại sứ quán tại Israel trên đường HaYarkon, Tel Aviv từ cuối những năm 1960. Nếu công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, Mỹ sẽ là quốc gia đầu tiên làm việc này kể từ khi Israel lập quốc năm 1948.
Lê Huyền (tổng hợp)