Một quan chức Trung Quốc ngày 15/6 đã cảnh báo rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama và Dalai Lama tại Washington sẽ "phá hoại sự tin tưởng và hợp tác lẫn nhau" giữa 2 nước. Vài giờ sau đó, ông Obama đã gặp gỡ nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng tại Nhà Trắng như kế hoạch.
Tờ Nytimes đưa tin Bắc Kinh thường xuyên gây áp lực cho các nhà lãnh đạo nước ngoài để không gặp Dalai Lama. Đức Dalai bị cáo buộc tìm cách ly khai Tây Tạng khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng nói ông chỉ muốn bảo vệ những người dân Tây Tạng và bản sắc quê hương của họ.
Ông Obama thường gặp đức Dalai Lama tại Phòng Bản đồ thay vì phòng Bầu Dục, nơi ông hay tiếp các nguyên thủ quốc gia.
Các phóng viên không được phép tiếp cận để thu thập tin tức của bất cứ phần nào trong cuộc gặp, kể cả chụp ảnh. Nhiếp ảnh gia chính thức của Nhà Trắng đã đăng tải bức ảnh ông Obama nắm chặt cánh tay đức Dalai Lama và chia sẻ bức ảnh lên Instagram.
Bức ảnh hiếm hoi trong cuộc gặp giữa tổng thống Obama và Dalai Lama hôm 15/6. Ảnh: WHITE HOUSE HANDOUT/ZUMA PRESS |
Tất cả những điều trên cho thấy chuyến thăm này mang tính chất "cá nhân" hơn là chính thức khi mà đức Dalai Lama không phải nguyên thủ một nước, theo thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest.
"Nhưng tổng thống không có tình cảm cá nhân dành cho Dalai Lama cũng như giáo lý của ngài ấy. Tổng thống ủng hộ việc bảo tồn các tôn giáo kỳ lạ, các truyền thống ngôn ngữ và văn hóa của Tây Tạng. Đó là lý do tại sao tổng thống có cuộc gặp này", ông Earnest nói.
Ông cũng nói thêm rằng không nên coi chuyến thăm này là sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Tây Tạng. "Tây Tạng, trong Chính sách của Mỹ vẫn được coi là một phần của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Và Mỹ không ủng hộ việc Tây Tạng độc lập".
Theo một tuyên bố từ Nhà Trắng, tổng thống đã chấp nhận lời chia buồn của Đức Dalai Lama đối với vụ xả súng tại Orlando. Ông Obama cũng đã khuyến khích "đối thoại trực tiếp giữa Dalai Lama và các đại diện của chính quyền Trung Quốc để giảm căng thẳng và giải quyết những khác biệt".
Trong những năm gần đây, nhiều người Tây Tạng đã biểu tình chống việc Trung Quốc cai trị tại vùng đất của họ và hơn 140 đã tự thiêu. Hơn 100.000 người Tây Tạng đang sống lưu vong, hầu hết là ở Ấn Độ, nơi Dalai Lama sống kể từ khi ông rời Tây Tạng vào năm 1959.
Bảo Linh (Nytimes)