Ngày 27/3, chủ tọa phiên tòa tuyên bố bản án ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ sau nhiều năm căng thẳng. Theo đó, HĐXX đồng ý cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo ly hôn. Ông Vũ được quyền điều hành tập đoàn Trung Nguyên do xét thấy có công sức nhiều hơn.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đứng nghe tòa tuyên án chiều 27/3. Ảnh: Vietnamnet
Theo thỏa thuận của hai bên, 4 đứa con sẽ do bà Thảo nuôi. Ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho các con 10 tỷ đồng/năm tính từ năm 2013 cho đến khi học xong đại học.
Trong buổi phỏng vấn bên lề vụ ly hôn, ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói trên Zing/Tri thức trực tuyến: "Trung Nguyên khác với một doanh nghiệp bình thường. Nếu đi sâu vào trong sẽ thấy cách qua chuẩn bị rất khác".
Trên tờ Tiền Phong, ông Vũ khẳng định có thời gian lên núi thiền định nhưng vẫn lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của tập đoàn, và điều hành từ xa không có nghĩa là ông không hiểu tới "từng chân tơ kẽ tóc" của mỗi nhân viên. "Không có một chuyện gì lọt qua mắt qua hết", ông Vũ khẳng định.
Nói về chiến lược tại Trung Nguyên, ông Vũ nhấn mạnh: "Phải giữ những người thiện lương, có năng lực và đào tạo họ. Qua sẽ tuyển chọn những chuyên gia ở tầm mức toàn cầu. Trung Nguyên có thị trường ở Trung Quốc, Nga và toàn cầu… phải lấy những người giỏi nhất thì mới thực thi được. Những người anh em Trung Nguyên để thực hiện được triết lý, con đường của Trung Nguyên thì phải khổ luyện, phải đọc, hiểu, ngẫm suy những điều qua viết. Kiếm được người tri kỷ khó lắm. Thế nên qua cũng không muốn nói với ai".
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó nhưng luôn nung nấu ý chí làm giàu. Bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời Đặng Lê Nguyên Vũ chính là lúc ông quyết định rời Đại học Y để chuyển sang thu mua cà phê về rang xay, nung nấu quyết tâm tạo dựng thương hiệu cà phê Việt Nam vào năm 1996.
Vào thời điểm đó, Đặng Lê Nguyên Vũ đạp chiếc xe cà tàng của mình tới từng đại lý để thu mua cà phê với ý niệm: Chỉ có chế biến mới tạo nên giá trị. Tư duy này hiện giờ là phổ biến, nhưng cách đây 18 năm, khi Hãng Cà phê Trung Nguyên ra đời, xuất khẩu cà phê thô vẫn là mục tiêu chính. Thậm chí, ý tưởng chế biến cà phê của Vũ bị kêu là khùng, chứ chưa nói đến tham vọng chế biến cà phê ngon để xuất khẩu.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ được mệnh danh là Vua cafe Việt.
Ngay cả việc Đặng Lê Nguyên Vũ đặt tên cho doanh nghiệp của mình cũng rất khác, nghe khá ngông, đó là “Hãng cà phê Trung Nguyên”. Sau nhiều thất bại, năm 1998, Cà phê Trung Nguyên đổ bộ rầm rộ Sài Thành sau đó lan rộng ra cả nước được nhiều người ưa chuộng.
Năm 2003, G7 ra đời đánh dấu bước phát triển mới của Trung Nguyên. Năm 2005, Hãng Cà phê Trung Nguyên được xem là nhà chế biến cà phê lớn nhất Việt Nam, vượt qua tất cả đối thủ nước ngoài. Năm 2008, Trung Nguyên thành lập văn phòng tại Singapore nhằm mục tiêu phát triển thị trường quốc tế.
Tháng 2/2012, Đặng Lê Nguyên Vũ lần đầu tiên được vinh danh là “Vua Cà phê Việt” một cách chính thức trên tạp chí uy tín National Geographic Traveller.