(Tinmoi.vn) Thay vì đến thăm Bình Nhưỡng như truyền thống, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tới Seoul vào ngày mai. Điều này cho thấy tầm quan trọng của Hàn Quốc trong mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc ngày một tăng.
Mặc dù các quan chức Trung Quốc luôn nhấn mạnh chuyến thăm tới Hàn Quốc kéo dài 2 ngày lần này không nhắm tới nước thứ 3 nhưng các nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh muốn gửi tới Bình Nhưỡng thông điệp: hãy kiềm chế khiêu khích.
Trong chuyến đi này, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có các cuộc đàm phán với người đồng cấp Hàn Quốc, Tổng thống Park Geun-hye và ký kết các thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau như thương mại, bảo vệ môi trường…
Ngoài ra còn có chương trình nghị sự bảo mật về vấn đề Đông Á, bao gồm việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và giải quyết xung đột thông qua đối thoại hòa bình, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngày hôm qua cho biết.
Hai bên cũng sẽ thảo luận về lịch sử chiến tranh của họ và mục đích gần đây của Nhật Bản khi muốn rũ bỏ tội ác trong chiến tranh thế giới II, ông Lưu nói. “Nhưng sẽ không có bất kỳ biện pháp nào nhắm vào Nhật Bản trong chuyến đi này”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Trung Quốc được coi là đồng minh trung thành của Bình Nhưỡng. Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-53, Trung Quốc đã hỗ trợ cho Triều Tiên rất nhiều. Hai nước đã ký hiệp ước hữu nghị năm 1961, theo đó, Trung Quốc cam kết sẽ hỗ trợ Bình Nhưỡng chống lại các cuộc tấn công từ bên ngoài. Bắc Kinh mới thiết lập quan hệ ngoại giao với Seoul từ năm 1992.
Người tiền nhiệm ông Tập là Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân thường đến thăm Triều Tiên trước rồi mới đến Hàn Quốc mỗi lần họ tới thăm bán đảo Triều Tiên.
Ông John Delury, trợ lý giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại ĐH Yonsei, Seoul cho rằng: “Thông điệp (của chuyến đi lần này) đó là nếu Triều Tiên tiếp tục giữ khoảng cách với Bắc Kinh và không làm Trung Quốc hài lòng, Trung Quốc sẽ nghiêng về phía Hàn Quốc”.
Kim Chul-woo, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện phân tích Quốc phòng Hàn Quốc cho biết chuyến đi này có lẽ sẽ khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phải khó chịu.
Trung Quốc chưa có chuyến thăm cấp cao nào đến Triều Tiên kể từ khi ông Kim lên nắm quyền năm 2012. Bắc Kinh còn thường xuyên gây áp lực lên Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân thứ 3 của nước này hồi năm ngoái.
Theo các quan sát viên, hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng có thể dẫn tới sự hiện diện ngày một tăng của Mỹ tại khu vực, điều này khiến Bắc Kinh thất vọng.
“Thông thường, Trung Quốc sẽ phải cân nhắc thái độ của Bình Nhưỡng mỗi lần giao dịch với Seoul. Nhưng tác động của Bình Nhưỡng tới mối quan hệ Trung-Hàn có vẻ đang giảm dần”, ông Deng Yumen, cựu phó TBT tờ Study Times, một tờ báo của Trường Đảng TQ cho biết. “Ông Kim đã không chịu nhân nhượng trước tham vọng hạt nhân của mình. Nếu ông Tập tới thăm Bình Nhưỡng, thì sẽ có người hiểu nhầm là tham vọng trên được ủng hộ”.
Ông Lưu Chấn Dân cho biết, ngoài Bình Nhưỡng, vai trò của Mỹ trong an ninh khu vực cũng sẽ được đưa vào thảo luận. “Chúng tôi hy vọng Mỹ có thể giúp thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau giữa các nước trong khu vực”, ông nói khi đang đề cập tới việc kêu gọi Seoul tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. “Chúng tôi không mong muốn phải chứng kiến tình hình căng thẳng và cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực”.
Delury đến từ Đại học Yonsei cho biết Bắc Kinh từng được dự kiến là sẽ ngăn cản Seoul gia nhập hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và đẩy mạnh các hoạt động cứu nạn hàng hải chung với Seoul. “Chiến lược sử dụng liên minh để chống lại Trung Quốc của Mỹ rất phức tạp”
Được biết, ông Tập Cận Bình sẽ tham dự một diễn đàn kinh doanh vào thứ 6. Hai nước sẽ thúc đẩy đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do.
Bảo Linh (Theo tin tức từ SCMP)