Trước thông tin Pháp đang xem xét khả năng đánh chìm hai chiến hạm Mistral vốn được đóng cho Nga, Moscow đã lập tức có phản hồi.
Báo Pháp Le Figaro đưa tin, Paris đang xem xét khả năng hủy 2 chiến hạm chở trực thăng Mistral trên vùng biển lớn để hủy hợp đồng trị giá 1,12 tỉ USD và từ chối bàn giao cho Nga.
Một quan chức rành rẽ vụ việc tiết lộ với Le Figaro, trong số những phương án được nghiên cứu có việc đánh đắm các tàu này ở ngoài biển.
Theo kế hoạch, chiếc tàu đầu tiên là Vladivostok được bàn giao trong tháng 11/2014 song Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố hoãn lại “cho đến khi có thông báo mới”.
Trong khi đó, con tàu thứ hai mang tên Sevastopol dự kiến giao vào đầu năm 2015 nhưng cũng kẹt lại như chiếc đầu. Nguyên nhân chung là cuộc khủng hoảng Ukraine hồi đầu năm 2014 mà Pháp cho rằng có sự can thiệp của Nga.
Tuy nhiên, một quan chức quân sự cao cấp của Pháp nói biện pháp đánh chìm tàu là “không thể chấp nhận” sau những nỗ lực của nhân viên nhà máy đóng tàu Saint-Nazaire lớn nhất nước này.
Le Figaro nói thêm rằng kế hoạch thiết kế lại tàu để thích ứng với Hải quân Pháp dường như không khả thi vì chúng được thiết kế đặc biệt phù hợp với nhu cầu của Hải quân Nga. Nếu chọn giải pháp tu bổ, chi phí có thể lên đến hàng trăm triệu euro.
Trước thông tin Pháp có khả năng đánh chìm hai chiến hạm Mistral, phía Nga đã ngay lập tức có phản hồi đầy bức xúc. |
Trong khi đó, phía Nga từng nói rằng họ không phản đối việc Pháp bán tàu cho bên thứ ba. Tờ Le Figaro cho biết Canada và Ai Cập là 2 khách hàng tiềm năng nhất.
Trước thông tin này, cựu chỉ huy Hạm đội Biển Bắc của Nga, Đô đốc Vyacheslav Popov, ngay lập tức có những bình luận hết sức bức xúc.
"Không có vị lãnh đạo nào lại đánh chìm các cấu trúc kỹ thuật như vậy. Suy nghĩ tương tự chỉ có thể nảy sinh trong những cái đầu bệnh hoạn", Đô đốc Vyacheslav Popov nói.
Theo ông, ý tưởng như vậy là không hợp lý.
"Đối với loại thông tin này cần phải coi như một thứ pháo hoa chính trị thường kỳ. Nó là phát minh duy nhất để thu hút sự chú ý một lần nữa đối với chủ đề của mình", Interfax dẫn lời đô đốc và thành viên Ủy ban hàng hải Hàng hải của chính phủ Nga
Nếu nước Pháp không giao Mistral cho Nga, trong tương lai họ có thể sử dụng các thiết bị của mình một cách hợp lý hơn, đô đốc Nga nói.
Chuyên gia quân sự - Giám đốc Trung tâm nghiên chiến lược (Nga) Ivan Konovalov chia sẻ với hãng tin Sputnik: "Tất nhiên bán lại những tàu chiến này là điều khó thực hiện bởi vì thứ nhất, lõi tàu là của Nga, thứ hai, thị trường tàu đổ bộ đa năng là không lớn.
Trong ảnh là tàu Vladivostok - chiếc Mistral đầu tiên mà Pháp đóng cho Nga. |
Thêm nữa, trên thị trường này có nhiều đối thủ cạnh tranh. Tây Ban Nha, Hà Lan, Hàn Quốc và Mỹ cũng chế tạo các loại tàu tương tự và nhu cầu đối với loại tàu này là không lớn".
Còn về phương án Hải quân Pháp tiếp nhận các tàu đổ bộ Mistral, ông Konovalov nói:
"Hải quân Pháp đã có 3 chiếc tàu kiểu này, họ không có nhu cầu sử dụng thêm. Ngoài ra, ngay trong lực lượng Hải quân Pháp cũng có một bộ phận phản đối việc này.
Họ sợ rằng nếu tiếp nhận sử dụng 2 chiếc tàu đổ bộ chế tạo cho Nga thì họ sẽ phải vứt bỏ các tàu khác - ví dụ như các khinh hạm".
Đến thời điểm này, có thể khẳng định gần như chắc chắn rằng hợp đồng giữa Nga và Pháp đã bị phá hủy. Chính phủ Pháp cũng đã chuẩn bị được một số nguồn tiền để đền bù cho Nga, trong đó tiền đến từ các hợp đồng đóng tàu dân sự cho Mỹ hoặc máy bay trực thăng cho Ba Lan.
Yên Yên (tổng hợp)