Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua Đại sứ Foy Kohler, đã ra thông báo phản đối chính thức sau khi phát hiện hơn 40 thiết bị nghe trộm ở trong tường và trên trần tòa nhà đại sứ quán nước này ở Moscow vào ngày 19/5/1964.
Tờ New York Times đưa tin cho hay ngày này năm xưa 19/5/1964, Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua Đại sứ Foy Kohler, đã ra thông báo phản đối chính thức sau khi phát hiện hơn 40 thiết bị nghe trộm ở trong tường và trên trần tòa nhà đại sứ quán nước này ở Moscow.
Đại sứ quán Mỹ tại Nga. Ảnh: New York Times |
Theo đó, điều đáng chú ý là một số thiết bị nghe trọm đã được cài từ năm 1952 - thời điểm Liên Xô xây dựng lại tòa nhà đại sứ quán cho Mỹ. Mọi công việc xây dựng đều do người Nga tiến hành và quan chức Mỹ không được phép kiểm tra tòa nhà cho tới khi chuyển vào.
Một lượng lớn micro vẫn còn hoạt động tốt khi được tìm thấy sau 11 năm chôn trong trường.
Các quan chức Mỹ thời điểm này cho hay nhiều thiết bị nghe trộm đã không bị phát hiện mặc dù đã có hàng chục cuộc điều tra an ninh và điện tử được tiến hành. Các thiết bị này chỉ được tìm thấy sau khi toàn bộ một căn phòng trong tòa đại sứ bị phá nát.
Có một vài manh mối đã giúp Mỹ tiến hành cuộc tìm kiếm quyết liệt như vậy. Trong số các manh mối có cả mách nước của Yuri I.Nosenko, một nhân viên mật vụ Liên Xô đào tầu sang Geneva, Thụy Sĩ, vào tháng 2 cùng năm.
Sáng 19/5/1964, đại sứ Mỹ tại Liên Xô Foy D. Kohler đã gửi điện phản đối tới Bộ Ngoại giao Liên Xô.
Đại sứ quán Mỹ tại Moscow là một tòa nhà cao tầng ở phố Tchaikovsky, gần sông Moscow.
Theo yêu cầu của Mỹ, các công nhân Liên Xô đã xây thêm 3 tầng ở khu vực trung tâm của tòa nhà 7 tầng ban đầu. Có nhiều micro đã được tìm thấy ở những tầng mới này, vốn là văn phòng của các đại sứ Mỹ cùng nhân viên.
Giới chức Mỹ từ chối tiết lộ vị trí chính xác của những thiết bị nghe lén mà họ tìm thấy song có trưng bày một trong số những gì tìm được.
Mỗi micro trong tường đều có khả năng ghi lại các cuộc nói chuyện ở cách xa 3-5m. Giới chức Mỹ cho hay, thiết bị nghe lén này có khả năng bắt được hầu hết các cuộc nói chuyện bình thường trong phòng.
Chỉ ít lâu sau khi Nossenko đào tẩu, giới chức Mỹ bắt đầu nghĩ tới một cuộc lục soát kỹ càng. Họ dường như bị báo động khi một số thông tin bị lộ một cách khó lý giải. Những manh mối mà Nossenko cung cấp được cho là xác nhận về sự tồn tại của mạng lưới nghe trộm.
Các kỹ sư an ninh gọi điện về Washington vào tháng 2/1964, và lên kế hoạch phá hủy toàn bộ một căn phòng trong đại sứ quán. Việc phá hủy diễn ra vào tháng 4 và đến ngày 23/4, sau khi một trong các căn phòng bị phá hủy hoàn toàn, micro đầu tiên được tìm thấy. Đường dây kết nối dẫn các nhà điều tra tìm thấy thêm nhiều thiết bị nghe lén.
Phía Mỹ cho biết họ cảm thấy hài lòng khi mạng lưới nghe lén bị phá hủy và những kế hoạch đặc biệt mới đã được lập ra để tòa đại sứ mới được đảm bảo an ninh.
Minh Di (tổng hợp)