Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra một hành tinh mới cách Trái đất 125 năm ánh sáng sở hữu tới bốn Mặt trời.
Mới đây, kết quả quan sát thu được từ Đài Thiên văn Palomar, San Diego, Calif, Mỹ giúp các chuyên gia có được phát hiện đáng kinh ngạc: một hành tinh mới trong vũ trụ được chiếu sáng bởi 4 Mặt trời.
Cụ thể, hành tinh này và 4 Mặt trời của nó được gọi chung là 30 Ari. Đây là hệ thống gồm 4 sao và một hành tinh cách Trái đất khoảng 136 năm ánh sáng, trong đó khoảng cách từ hành tinh chính tới địa cầu là 125 năm ánh sáng.
Hành tinh kì lạ nằm ở trung tâm khuôn hình có tới 4 Mặt trời khác nhau xung quanh
Điểm đặc biệt của hành tinh trên, đó là việc nó nằm trong quỹ đạo của 4 Mặt trời khác nhau. Khoảng cách từ hành tinh này tới Mặt trời gần nhất (gọi là sao 30 Ari B) cũng gấp gần 30 lần quãng đường từ Trái đất tới Mặt trời (gần 4,4 tỷ km). Thời gian ước tính để hoàn thành một vòng quay xung quanh 30 Ari B của hành tinh chính là 355 ngày.
Xét về kích thước, hành tinh 4 Mặt trời lớn gấp khoảng 10 lần sao Mộc nhưng không hề có bề mặt cho phép tàu vũ trụ hạ cánh. Thực tế, nó đã phát hiện từ cách đây vài năm. Tuy nhiên, thời điểm đó các nhà thiên văn chỉ nhìn thấy được 3 Mặt trời xung quanh hành tinh này mà thôi.
Sơ đồ hệ thống 30Ari do NASA cung cấp
Cho tới mới đây, với việc ứng dụng hệ thống quan sát Robo-AO kết hợp PALM- 3000, Mặt trời thứ tư của hành tinh chính mới được phát hiện. Qua đó, 30 Ari trở thành hệ thống hành tinh với 4 Mặt trời thứ hai từng được phát hiện trong vũ trụ. Hành tinh đầu tiên sở hữu tính chất tương tự, đó là KIC 4862625 được phát hiện cách đây khoảng 3 năm.
Hiện nay, các nhà khoa học đang tiếp tục những nghiên cứu để giải mã hệ thống hành tinh mới này. Trong đó, giới chuyên gia tập trung nhiều nhất vào vấn đề: tại sao một hành tinh lực kéo của 4 Mặt trời khác nhau vẫn có thể giữ được ổn định?
Nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí Astronomical Journal.
Trang Vũ