Các nhà khoa học Anh vừa phát hiện xác ướp một thai nhi trong một quan tài nhỏ từ thời Ai Cập cổ đại. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy thai nhi đã được hơn 4 tháng tuổi khi bị sảy.
Theo The Independent, chiếc quan tài dài 44 cm được khai quật từ Giza, Ai Cập năm 1907 và sau đó được trưng bày tại bảo tàng Fitzwilliam ở Cambridge, Anh.
Khi chiếc quan tài bằng gỗ có dấu hiệu bị mòn, "gói nhỏ" màu đen bên trong vẫn còn nguyên vẹn. Ban đầu, các nhà bảo quản tại bảo tàng cho rằng bên trong quan tài chứa cơ quan nội tạng của người trưởng thành vì theo truyền thống, nội tạng cần được loại bỏ và bảo quản trong quá trình ướp xác.
Quan tài tí hon lưu giữ xác ướp bào thai 18 tuần tuổi. Ảnh: Bảo tàng Fitzwilliam |
Các nhà Ai Cập học từng cố gắng xem xét bên trong lớp băng cuốn bó chặt bằng tia X, nhưng kết quả không giúp đưa ra kết luận. Họ tiếp tục sử dụng máy quét chụp cắt lớp vi tính và cuối cùng có thể nhìn rõ hình dáng của một hài nhi bị sảy. Cánh tay của thai nhi khoanh trước ngực. Hộp sọ và xương chậu mềm dường như đã vỡ nát.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính còn giúp nhóm nghiên cứu ước tính tuổi của thai nhi khi sảy. Đứa trẻ được cho là bị sảy ở tuần 16 - 18 của thai kỳ. Tuy vậy, họ vẫn chưa xác định được giới tính của thai nhi.
Bản chụp cắt lớp vi tính chỉ ra tư thế xác ướp thai nhi đang khoanh tay trước ngực. Ảnh: Bảo tàng Fitzwilliam |
Xác ướp thai nhi được bảo quản hoàn hảo này hé lộ nhiều điều về hệ thống tín ngưỡng của người Ai Cập cổ đại. Đối với họ, một đứa trẻ chưa ra đời vẫn có cơ hội trải qua cuộc sống ở thế giới bên kia.
Trước đây, các nhà khoa học từng phát hiện thai nhi được ướp xác trong mộ vua Tutankhamun, ước tính qua đời ở tuần 25 và 37 của thai kỳ. Tuy vậy, xác ướp 18 tuần tuổi này là bào thai nhỏ tuổi nhất được tìm thấy.
Lê Huyền (tổng hợp)