Tin mới

Phát xít Đức đã thất bại thảm hại trước Hồng quân Liên Xô ra sao?

Thứ sáu, 08/05/2015, 11:03 (GMT+7)

Sau khi nhanh chóng chinh phạt phần lớn châu Âu, quân đội phát xít Đức đặt chân tới Liên Xô vào năm 1941 dường như là một lực lượng không thể bị đánh bại. Tuy nhiên, chính tại đây, Hồng quân Liên Xô đã phá tan ảo ảnh của phát xít, khiến chúng thất bại thảm hại.

Sau khi nhanh chóng chinh phạt phần lớn châu Âu, quân đội phát xít Đức đặt chân tới Liên Xô vào năm 1941 dường như là một lực lượng không thể bị đánh bại. Tuy nhiên, chính tại đây, Hồng quân Liên Xô đã phá tan ảo ảnh của phát xít, khiến chúng thất bại thảm hại.

Huyết chiến bảo vệ thủ đô Moscow

Từ tháng 10/1941, trùm phát xít Adolf  Hitler đã mở chiến dịch tấn công vào Moscow mang tên “Bão tố”. Mục tiêu của chiến dịch là nghiền nát Moscow bằng 2 cánh tấn công đồng thời từ phía Bắc và phía Nam.

Tuy nhiên, quân đội của Hitler đã vấp phải sự phản kháng dữ dội từ những người lính Liên Xô, khiến ý định đánh nhanh, thắng nhanh phá sản. Cuộc chiến Moscow đã kéo dài cho tới tận tháng 1/1942, với kết quả là quân đội phát xít Đức lần đầu bại trận.

Đây là một trong những trận chiến đẫm máu, chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại, về sau được xem như điểm quyết định giúp xoay chuyển cục diện trong cuộc chiến chống phát xít.

Hồng quân Liên Xô bảo vệ Moscow năm 1941.

Ký ức về cuộc chiến đó vẫn còn tươi nguyên trong tâm trí của cựu chiến binh Gennady Drozdov, 98 tuổi.

"Tháng 12/1941, khi cuộc chiến ở Moscow vẫn đang diễn ra, chúng tôi đã thực hiện một cuộc đột kích vào vùng hậu phương của lính phát xít Đức. Chúng tôi tiến rất gần tới mức có thể nhìn rõ vị trí lính đối phương, các khẩu súng máy và những người lính điều khiển súng," ông Drozdov nói với RT.

“Theo sự chỉ dẫn của chúng tôi, trung đoàn đã bắn một loạt cối. Các quả đạn bay qua đầu chúng tôi tới mục tiêu. Chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ và trở lại căn cứ".

Thời tiết dường như ủng hộ lính Liên Xô, do mùa Thu mang tới các cơn mưa dữ dội, còn mùa Đông là nhiệt độ lạnh cóng. Những yếu tố này khiến lính phát xít bất ngờ.

Quân đội phát xít Đức rất bất ngờ về thời tiết lạnh giá ở Moscow.

Khi cuộc chiến diễn ra, cư dân Moscow phải chịu đựng mọi sự kinh hoàng của chiến tranh: cái đói, lạnh, nỗi đau vì mất gia đình, người thân.

"Kinh hãi nhất là các cuộc ném bom - hoạt động ném bom ban ngày diễn ra liên tục, không ngớt. Đầu tiên chúng tôi lánh nạn trong ga tàu điện ngầm “Park Kultury” nằm cách nhà không xa. Rồi gia đình quyết định rằng nếu số phận buộc mình phải chết, chúng tôi sẽ chết cùng nhau và không chạy trốn nữa. Có 5 đứa trẻ trong gia đình tôi", nhân chứng như Rimma Grachyova   khi ấy mới 7 tuổi nhớ về cuộc chiến.

"Chúng tôi đã giúp đỡ mặt trận một cách tích cực nhất có thể. Chúng tôi gom sắt vụn, tham gia đan tất cùng những người lớn. Chúng tôi còn viết thư và hát cho những người bị thương trong bệnh viện," bà Grachyova, nay đã 80 tuổi, kể về trải nghiệm thời thơ ấu.

Gần 1 triệu người lính Liên Xô đã chết trong cuộc chiến bảo vệ Moscow và tại các chiến dịch phản công diễn ra sau đó. Kết cục của Cuộc chiến Moscow là lính Đức phải rút lui gần 200km, rời xa khỏi thủ đô Nga. Đây là thất bại đầu tiên, phá tan danh tiếng của quân đội phátxít Đức, như một đạo quân bất khả chiến bại.

Trận quyết đấu Stalingrad - bước ngoặt của Thế chiến 2

Vào mùa hè năm 1942, quân đội phát xít đã không thể đánh chiếm Moscow bằng cách tấn công chính diện, nên quyết định chuyển hướng tấn công xuống khu vực sông Volga và vùng Kavkaz ở phía nam, để tạo bàn đạp tấn công Moscow từ phía sau. Mục tiêu chính trong chiến dịch này là thành phố Stalingrad.

Hitler trước đó tự tin sẽ nhanh chóng và dễ dàng chiếm được Stalingrad. Nhưng thực tế đã không như mong muốn của “trùm phát xít”.

Trận đánh Stalingrad kéo dài từ tháng 7/1942 đến tháng 2/1943 với nhiều chiến dịch của cả hai phía.

Quân Đức mở màn bằng những trận giội bom dữ dội, biến Stalingrad thành đống đổ nát, gây thiệt hại lớn về người cho cả quân và dân Staligrad. Sau đó là những loạt pháo kích dọn đường cho lục quân tiến lên.

Lính Đức tiến quân trên mặt trận Stalingrad.

Nhờ ưu thế về lực lượng (huy động tới 266 sư đoàn), phương tiện chiến tranh cũng như trình độ tác chiến, đến giữa tháng 8/1942, quân phát xít đã tiến được vào nội đô Stalingrad. Tập đoàn tăng thiết giáp số 4 của Đức gác vòng ngoài, còn tập đoàn quân số 6 trực tiếp cận chiến sâu trong thành phố và chiếm được 90% diện tích thành phố này, đẩy lùi quân Liên Xô về sát bờ tây sông Volga. Tuy nhiên, chúng vẫn không tài nào tiêu diệt được các ổ đề kháng còn lại của Hồng quân.

Vào ngày 27/7, Lãnh tụ Liên Xô là Nguyên soái Stalin đã ra mệnh lệnh nổi tiếng “không lùi một bước”. Quân dân Liên Xô ở chiến trường Stalingrad đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng với tinh thần “không lùi dù chỉ một bước”.

Trước sức vây ép của quân Đức và thương vong quá lớn, Tướng Chuikov chỉ huy Tập đoàn quân 62 của Hồng quân từng xin phép rút lui qua sông Volga nhằm bảo toàn lực lượng nhưng ông đã được cấp trên ra lệnh tử thủ, giữ vững “nút sống” này bằng mọi giá.

Trong giai đoạn đầu, phía Hồng quân trình độ tác chiến nói chung và hiệp đồng binh chủng nói riêng kém hơn, nhưng bù lại họ có chính nghĩa trong cuộc chiến, và tinh thần chiến đấu rất kiên cường. Về sau họ được hỗ trợ thêm bởi sức mạnh của ngành công nghiệp quốc phòng nước này.

Trong khi đó, lính Đức cũng quyết chiến đến cùng. Chúng cũng cần Stalingrad làm nơi trú ngụ trước mùa Đông lạnh giá của nước Nga.

Công bằng mà nói, lính Đức rất thiện chiến và dũng mãnh (thậm chí khi bị đánh thiệt hại nặng vẫn duy trì được ý thức kỷ luật cao). Ngay cả khi quân Đức đã tan rã từng mảng, vẫn có nhiều đơn vị lẻ tẻ kháng cự một cách dai dẳng.

Một mối nguy hiểm lớn nhất đối với Hồng quân là những cỗ xe tăng Đức, điều làm cho Hitler rất tự tin vào chiến thắng tại Stalingrad.

Tình hình nguy ngập đến mức, Nguyên soái Zhukov của Liên Xô từng sử dụng cả chó cảm tử để mang bộc phá đánh xe tăng Đức. (Truyền thông phát xít sau đó đã lợi dụng điều này để tuyên truyền rằng lính Nga không dám đánh trận và dùng chó thay thế). Những chú chó lính tỏ ra nguy hiểm khi rất nhanh nhẹn và khó phát hiện (vì thấp). Lính Đức về sau được lệnh bắn tất cả những chú chó lai vãng vị trí chiến đấu.

Quân Đức giỏi hiệp đồng binh chủng và đánh lớn trên địa bàn rộng với các vũ khí hạng nặng. Tuy nhiên khi quân hai bên đan cài vào nhau thì phi cơ, xe tăng, và trọng pháo không phát huy tác dụng do Đức lo ngại sẽ đánh trúng quân mình.

Chó "chống tăng" mang bộc phá của Hồng quân. Đây là 1 giải pháp tình thế, khi Hồng quân thiếu xe tăng để đối chọi với quân Đức

Để tiến được từng thước đất, lính Đức đã phải đổ rất nhiều máu. Một sĩ quan Đức đã viết: “Các con phố không còn được đo bằng mét nữa mà bằng các xác chết… Stalingrad không còn là một thành phố mà đã thành một đám mây bốc cháy… một lò lửa khổng lồ… Đến loài vật còn phải chạy trốn khỏi địa ngục này, chỉ có con người là trụ lại được.”

Lãnh đạo Liên Xô đã âm thầm chuẩn bị trong 2 tháng cho một chiến dịch phản công quyết định. Trong lúc Tướng Chuikov cầm chân quân Đức, còn các mặt trận khác đánh nghi binh phối hợp thì một lực lượng lớn quân Liên Xô, chủ yếu từ Siberia, đã được bí mật tập trung về Stalingrad.

Sáng sớm ngày 19/11/1942, hàng ngàn khẩu pháo Xô viết bắn cấp tập vào các vị trí của quân Đức Quốc xã, mở màn cuộc phản công. Sử dụng một lực lượng lớn cơ giới và xe tăng, Hồng quân đã đột kích nhanh và mạnh, chọc thủng vùng sườn quân Đức đang bị căng mỏng và chỉ được bảo vệ bởi lực lượng quân chư hầu Romania và Hungary, hình thành thế bao vây quân Đức.

Chỉ vài ngày sau đó, gần 350.000 lính và sĩ quan Đức đã bị nhốt chặt trong vòng vây của quân đội Xô viết.

Hoảng sợ trước tình hình này, Hitler vội phái Thống chế Manstein có tài thao lược bậc nhất của Đức Quốc xã đến để giải vây.

Nội đô Stalingrad trong trận chiến khốc liệt.

Quân Đức thì trong đánh ra ngoài đánh vào, còn Hồng quân thì vừa khép chặt vòng vây, vừa phá vây. Đạo quân của Manstein cuối cùng bị đánh bật ra xa. Tất cả các nỗ lực phá vây của phát xít Đức rơi vào vô vọng. Các đường tiếp liệu bị cắt đứt, một bộ phận lính Đức bắt đầu lả dần vì đói và rét.

Sau khi thất bại trong việc kêu gọi đối phương hạ vũ khí, từ 10/1 đến 2/2/1943, Hồng quân mở cuộc tấn công tiêu diệt lực lượng Đức bị bao vây, kết quả diệt được 2 phần 3 số này và bắt sống số còn lại, bao gồm tư lệnh Tập đoàn quân số 6 Paulus và 24 viên tướng.

Trước đợt tấn công của Hồng quân từ 10/1 đến 2/2, Thống chế Paulus từng xin phép Hitler để được đầu hàng nhưng Hitler đã ra lệnh “chiến đấu đến người lính cuối cùng và viên đạn cuối cùng”. Sau một thời gian cầm cự thêm, Paulus đã “thức thời” hạ lệnh đầu hàng bất chấp Hitler để bảo toàn mạng sống cho số binh lính dưới quyền còn lại.

Yên Yên (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news