Nhìn những hình ảnh kinh hoàng trong xưởng sản xuất mỹ phẩm nhái dưới đây, có lẽ nhiều người sẽ không dám tin tưởng hoàn toàn vào các thể loại "hàng xách tay", "hàng ngoại nhập" mà mình từng một thời mê mệt nữa.
Do tâm lý sính ngoại, rất nhiều người không tin dùng hàng nội địa, mà lựa chọn order quần áo, mỹ phẩm từ nước ngoài về để dùng. Những mặt hàng bày bán trên thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu hay Mỹ mặc dù có giá đắt hơn hẳn nhưng đa phần đều nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của các khách hàng châu Á.
Phần vì thương hiệu, phần vì danh tiếng, phần thì vì chất lượng, nên những sản phẩm nước ngoài luôn được chào đón nồng nhiệt tại một số thị trường châu Á đầy tiềm năng như Trung Quốc hay Việt Nam.
Thế nhưng, đôi khi người ta chỉ mải chạy theo cái mác "ngoại nhập" mà quên mất những giá trị đích thực của sản phẩm mà mình đang sử dụng. Và hậu quả là rất nhiều người đã mua phải hàng rởm, hàng kém chất lượng với cái giá trên trời.
Mới đây, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin về vụ việc cảnh sát thành phố Đông Dương, tỉnh Chiết Giang đã phát hiện và triệt phá thành công một ổ nhóm chuyên sản xuất mỹ phẩm giả gắn mác nước ngoài.
Được biết, ổ nhóm làm hàng nhái này núp bóng một công ty sản xuất mỹ phẩm khá hợp tiêu chuẩn với đầy đủ các loại giấy tờ chứng nhận. Tuy nhiên, sản phẩm của họ lại không mang nhãn hiệu như đã đăng ký mà giả dạng nhiều hãng mỹ phẩm nổi tiếng như: Etude House, L'Oréal, Clinique, NARS, Shiseido...
Dựa theo một nguồn tin mật, lực lượng chức năng đã ập vào kiểm tra xưởng sản xuất và bắt giữ 76 đối tượng liên quan trong đường dây. Đồng thời, cảnh sát cũng thu giữ 1 máy pha chế, 2 máy đóng gói, 5 máy niêm phong, 18 thiết bị sản xuất, 1.790.000 sản phẩm nhái cùng 4.400.000 bao bì giả các hãng mỹ phẩm từ giá rẻ cho đến đắt. Ước tính, tổng số tang vật được thu giữ có giá trị lên tới hơn 100 triệu tệ (tương đương 332 tỷ đồng).
Những đối tượng trong đường dây sản xuất mỹ phẩm giả kể trên khai nhận, giá thành sản xuất các món đồ fake vô cùng rẻ mạt, chỉ khoảng vài tệ, thậm chí là vài hào (1 hào bằng 1/10 tệ). Các loại mỹ phẩm tại đây cũng rất đa dạng, từ những cây bút kẻ mắt hoặc mascara có giá vài chục tệ cho tới những dòng sản phẩm cao cấp có giá lên tới cả ngàn tệ. Sau khi gia công, chúng đem bán với giá rẻ hơn hẳn hoặc gần bằng giá thị trường và nghiễm nhiên bỏ túi số tiền chênh lệch khổng lồ.
Hiện những thông tin và hình ảnh liên quan đến vụ việc đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận nước này.
Trong những chiếc thùng kia chính là "mỹ phẩm ngoại nhập" không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Công đoạn gia công khiến nhiều người hoảng hồn.
Những chiếc vỏ được làm nhái hệt theo thương hiệu chính thống.
Sau khi đóng gói cẩn thận, các mặt hàng kém chất lượng này sẽ được đem bán rộng rãi trên thị trường với cái giá trên trời.