Mới đây, Liên Hợp Quốc đã nhận được một bản báo cáo, cáo buộc đặc vụ Triều Tiên đang tổ chức một đường dây buôn bán vũ khí, thiết bị quân sự tại Malaysia.
Theo LHQ, tại khu “Tiểu Ấn Độ” ở thủ đô Kuala Lumpur – Malaysia, đặc vụ Triều Tiên thông qua Công ty Truyền thông Toàn cầu (GCC) để bán các thiết bị vô tuyến dùng liên lạc trên chiến trường, vi phạm lệnh trừng phạt của LHQ.
Reuters cho biết Glocom đăng quảng cáo hơn 30 hệ thống vô tuyến dành cho các tổ chức “quân sự và bán quân sự” trên trang web bằng tiếng Malaysia: Glocom.com.my. Trang web này – liệt kê một số địa chỉ trong khu “Tiểu Ấn Độ” - bị đánh sập hồi cuối năm ngoái.
Trong thực tế, Glocom không có tên trong danh sách các công ty hoạt động tại Malaysia. Tuy nhiên, có 2 công ty Malaysia do giám đốc và cổ đông người Triều Tiên kiểm soát đã đăng ký trang Glocom.com.my vào năm 2009.
Tháng 7-2016, một lô hàng thiết bị thông tin liên lạc quân sự của Triều Tiên được vận chuyển bằng máy bay từ Trung Quốc tới Eritrea bị chặn lại ở một quốc gia giấu tên. Các thiết bị bao gồm 45 hộp chứa hệ thống vô tuyến chiến trường cùng phụ kiện dán nhãn “Glocom”.
Báo cáo của LHQ tiết lộ Tổng cục trinh sát – tức Cơ quan tình báo Triều Tiên – là tổ chức điều hành Glocom. Một công ty trụ sở tại Singapore (có chi nhánh ở Bình Nhưỡng) mang tên Pan Systems được cho là phụ trách hoạt động của Glocom.
Tuy nhiên, giám đốc Louis Low của Pan Systems tại Singapore, nói rằng công ty ông đặt văn phòng đại diện ở Bình Nhưỡng từ năm 1996 nhưng chính thức kết thúc quan hệ với Triều Tiên vào năm 2010, đồng thời không còn kiểm soát bất kỳ doanh nghiệp nào ở đó.
Song LHQ chỉ ra rằng chi nhánh Pan Systems ở Bình Nhưỡng sử dụng tài khoản ngân hàng, công ty bình phong và đặc vụ đóng chủ yếu tại Trung Quốc và Malaysia để mua linh kiện lắp ráp thành hệ thống vô tuyến hoàn chỉnh rồi bán ra ngoài.
Một trong những giám đốc của chi nhánh Pan Systems ở Bình Nhưỡng được xác định là Ryang Su Nyo. Người phụ nữ này được tin là báo cáo cho “Văn phòng liên lạc 519” – bộ phận thuộc Tổng cục trinh sát Triều Tiên.
Bà Ryang còn là một cổ đông của Hệ thống Quốc tế Toàn cầu (IGS), công ty đăng ký trang web của Glocom. Bà ta thường đi tới Singapore và Malaysia để gặp gỡ đại diện của Pan Systems. Trong chuyến đi hồi tháng 2-2014, Bà Ryang và 2 người Triều Tiên khác bị bắt giữ tại Malaysia vì âm mưu buôn lậu 450.000 USD tại sân bay Kuala Lumpur.
Bộ ba nói trên sau đó thừa nhận họ làm việc cho Pan Systems và số tiền mặt nói trên thuộc sở hữu của đại sứ quán Triều Tiên tại Malaysia. Theo nghị quyết 1874 của LHQ thông qua vào năm 2009, lệnh cấm vận vũ khí đối với Triều Tiên được mở rộng cho tất cả thiết bị quân sự và vật liệu liên quan.
Nghiêm Thu (Reuters)