Trung Quốc đã xác nhận Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thăm Mỹ trong hai ngày 6-7/4 và tổ chức cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 31/3 bình luận, sử dụng trà trong hội đàm Trump-Tập vào tuần tới có thể giúp "bôi trơn" quan hệ ngoại giao tốt hơn là bia.
Hồi năm 2015, ông Tập đã vượt qua rào cản văn hóa khi uống bia cùng Thủ tướng Anh David Cameron, nhưng chiến thuật này sẽ vô tác dụng với ông Trump, một người hoàn toàn không sử dụng đồ uống có cồn.
Rủi ro khi tiếp xúc Tổng thống Trump
Leow Chee Seng, giáo sư về giao tiếp phi ngôn ngữ và hành vi ở Học viện nghiên cứu hành vi con người, Malaysia, nói rằng giao tiếp xã hội với những người không thuộc chung nền văn hóa có thể trở thành "bãi mìn ngoại giao" với các nguyên thủ quốc tế.
Leow cho rằng ông Tập Cận Bình nên dùng trà làm quà tặng ông Trump, và hai lãnh đạo nên giảm thiểu rủi ro các tình huống "ngượng ngùng" bằng cách hạn chế các hoạt động xã hội chung, nhất là khi giới quan sát sẽ theo dõi từng bước mức độ "cứng rắn" mà hai ông tỏ ra với nhau.
"Việc quan sát bầu không khí giữa Tập Cận Bình và Trump trong các cuộc gặp sẽ thú vị hơn nhiều so với bất kỳ thỏa thuận chính trị nào đạt được," giáo sư Qiao Mu, từ Đại học ngoại ngữ Bắc Kinh, Trung Quốc, nhận xét.
Ở Trung Quốc, ông Tập nổi tiếng là lãnh đạo cứng rắn với chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ đập ruồi", một cuộc đại cải tổ các lực lượng vũ trang và thâu tóm quyền lực chính trị để chính thức trở thành "lãnh đạo hạt nhân" của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tại Mỹ, Trump cũng xây dựng hình ảnh cứng rắn. Theo SCMP, các giao tiếp với lãnh đạo nước ngoài của Tổng thống Mỹ trong hơn 2 tháng cầm quyền đã cho thấy ông thuộc tuýp người sẵn sàng chứng minh "ai mới là ông chủ".
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã nhận cái bắt tay cứng rắn và kéo dài đến 19 giây từ Trump, trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel rơi vào thế bối rối khi Tổng thống Mỹ phớt lờ đề nghị bắt tay của bà.
Ông Tập Cận Bình uống bia cùng ông David Cameron trong chuyến thăm Anh tháng 10/2015 (Ảnh: AP)
Ông Leow Chee Seng nhắc nhở nhà lãnh đạo Trung Quốc cần phải "hết sức chú ý" từng hành động của Trump để tranh rơi vào các tình huống bị bẽ mặt, ví dụ như ông Trump sẽ không đưa ra một cái bắt tay phù hợp nghi thức ngoại giao thông thường.
Hai lãnh đạo khom người chào nhau có thể là phương án tốt để tránh trường hợp trên - Leow nói.
Theo ông, Chủ tịch Trung Quốc nên cười với các thành viên trong hội trường để tỏ rõ tự tin và sức mạnh, nhưng không cười với Trump sau cuộc gặp, đồng thời giữ khoảng cách nhỏ với Tổng thống Mỹ để thể hiện sự độc lập.
"Khi cuộc gặp kết thúc, [Tập Cận Bình] không nên để Trump di chuyển trước, bởi vì một người tiến về phía đối phương là cách thức cho thấy ông ta đang kiểm soát tình hình," giáo sư Leow nói thêm.
Gánh nặng của Tập Cận Bình
Tờ Nihon Keizai Shimbun (Nhật Bản) cho hay, hiện giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tồn tại rất nhiều mâu thuẫn trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, vấn đề biển Đông hay việc bố trí lá chắn tên lửa THAAD ở Hàn Quốc. Kết quả mà hai bên thu được sau cuộc gặp vẫn còn là ẩn số.
Theo Nihon, trong bối cảnh đại hội toàn quốc khóa 19 của ĐCSTQ sẽ diễn ra vào cuối năm nay để bầu ra một Ủy ban trung ương và ban lãnh đạo mới, kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập, Bắc Kinh buộc phải gấp rút thúc đẩy hội đàm thượng đỉnh Trump-Tập nhằm ổn định quan hệ song phương.
Nếu Tập Cận Bình bị mất mặt hay "lép vế" trong các pha tiếp xúc với Trump, điều đó sẽ tạo hình ảnh không tốt cho ban lãnh đạo nhiệm kỳ tới do ông đứng đầu.