Có một số đại gia tại Việt Nam sở hữu những bộ bàn ghế làm từ các loại gỗ đắt tiền, tuổi thọ có khi lên đến hàng trăm tuổi. Hầu hết chúng đều sở hữu mức giá đắt đỏ mà không phải ai cũng mua được.
Gù hương hàng tỷ đồng hút hồn đại gia
Nói đến thú chơi gù hương, giới chuyên gỗ lũa còn rỉ tai nhau câu chuyện ly kỳ của ông Nguyễn Công Đức ở Thái Hà (Hà Nội). Từ trước ông nổi tiếng là người mát tay nuôi được nhiều gấu đẻ nhất Việt Nam, thế rồi một ngày ông bất ngờ bán nhà tại Hà Nội mà bỏ lên làm trang trại ở xã Sơn Lâm, huyện Lương Sơn, Hòa Bình.
Cơ may sở hữu gốc cây gù hương lớn nhất Việt Nam đến với ông từ 8 năm trước. Trong một lần tình cờ phát hiện một “tảng đá” rất lớn trong rừng, ông được người dân nơi đó cho biết, đó là gốc còn sót lại của một cây gù hương khổng lồ, cành và thân cây đã được người Pháp xẻ ra đưa về làm tinh dầu, chỉ còn lại cái gốc cây này. Dân bản bán nó cho ông Đức với giá 1 triệu 2 trăm ngàn, tuy nhiên nhận thấy giá trị lớn của gốc cây này nên ông ngỏ ý muốn trả 25 triệu đồng.
Gốc gù hương có đường kính 7m được trả giá 2,2 tỷ đồng nhưng ông Đức nhất quyết không bán. Ảnh: VTCNews |
Giờ đây gốc cây gù hương có đường kính lên tới 7m, tuổi đời hàng nghìn năm này đã nằm yên vị trong sân nhà ông. Từ khi tin đồn ông Đức sở hữu gốc gù hương lớn nhất Việt Nam thì nhiều tay chơi gỗ lũa chuyên nghiệp đã tìm đến với mong muốn mua lại gốc cây quý này. Điển hình như đại gia Bá Mạnh (Sài Gòn) đã gạ đổi 25 bộ gỗ lũa cẩm lai, mỗi gốc trị giá 2m có giá cả tỷ đồng, nhưng ông Đức nhất quyết không đổi. Một lần khác, khi đại gia Mạnh Hùng (Tp.Vinh, Nghệ An) đến xem và trả 1,2 tỷ đồng để mua lại nhưng ông Đức vẫn không lung lay.
Đỉnh điểm là một doanh nhân nước ngoài, trước khi rời Việt Nam đã tìm đến ông Đức với ý muốn mua lại bộ gù hương quý giá này với mức giá 130 nghìn USD, tương đương 2,2 tỷ đồng nhưng theo ông Đức thì có trả cao gấp 10 lần giá này ông cũng không bán.
Chia sẻ trên VTCNews, ông Đức cho biết, không thể có gốc gù hương nào có tuổi đời dài và đẹp nguyên vẹn như gốc này. Bộ gù hương hội tụ đủ mọi giá trị thẩm mỹ, không thể kiếm ra bộ thứ hai ở Việt Nam.
Bộ bàn ghế hình rồng giá 4 tỷ của đại gia Tuyên Quang
Bộ bàn ghế hình rồng bằng gỗ ngọc am từng được chào mua với giá 4 tỷ đồng. Ảnh: Kiến thức |
Theo tờ Kiến thức, bộ bàn ghế được làm bằng gỗ ngọc am dưới đáy sông Gâm, của ông Nguyễn Quang Vịnh (70 tuổi) được trả giá hơn 4 tỷ đồng nhưng chủ nhân không bán.
Bộ bàn ghế này có hình dáng khá đặc biệt, với 4 chiếc ghế được chạm trổ rồng phượng tinh xảo. Mỗi con rồng với dáng uốn lượn, trạng thái hoàn toàn khác nhau. Những hoa văn họa tiết của tứ linh gồm "long - ly - quy - phượng" cũng được sắp đặt một cách tự nhiên, hài hoà.
Mỗi chiếc ghế có chiều cao khoảng 1,5m với hình dáng tự nhiên, ít phải đục đẽo, chỉ có phần bệ ngồi là bào nhẵn đánh bóng. 4 chiếc ghế này không theo một quy chuẩn hình dáng nhất định. Theo ông Vịnh, để thuận theo tự nhiên nên ông không muốn can thiệp quá sâu vào việc tạo dáng hay lắp ghép các hoa văn vào ghế.
Mặt chiếc bàn gỗ ngọc am lại không bằng phẳng mà lồi lõm, uốn lượn giống như những cung đường Tây Bắc. Xung quanh mặt bàn hình tròn là một "con đường" mà ông Vịnh gọi là "đường vành đai" được tạo tác kỳ dị, gấp khúc, chỗ dựng đứng, chỗ hoắm sâu. Trên "con đường" ấy có 7 điểm nghỉ được đặt 7 chiếc chén nhỏ và một cái chuyên.
Sập 40 tỉ của đại gia Sài Gòn
Tin tức trên báo Khám phá cho biết, ông Hoàng Văn Cường được giới chơi cổ vật mệnh danh là “vua đồ cổ Sài Gòn” bởi số lượng cổ vật ông có thuộc loại “khủng”, với đủ loại cổ vật có niên đại từ vài trăm năm như thời các triều Nguyễn, thời Quang Trung…
Sập cổ đã 300 tuổi được trả giá 40 tỷ nhưng ông Hoàng Văn Cường không bán. Ảnh: NewsZing |
Trong đó, chiếc sập ba thành có tuổi đời hơn 300 năm và nguồn gốc từ Trung Quốc, được một viên quan triều đình Huế mua về dùng để hút thuốc là có giá trị lớn nhất. Chiếc sập này được làm nguyên miếng bằng gỗ lệ chi (cây vải), được chạm khắc rất tinh xảo với hình con rồng đang ôm quả địa cầu.
Hiện chiếc sập được giới chơi đồ cổ đánh giá là có một không hai. Theo ông cho biết ông đã mua chiếc sập này vào năm 1976 ở tận Hà Tiên với giá 5 cây vàng. Nhưng cách đây mấy năm đã có người trả ông 2 triệu USD (tức là hơn 40 tỷ đồng) nhưng ông không bán.
Chia sẻ trên Zing.vn, ông Cường cho hay: "Chiếc sập này được làm nguyên miếng bằng gỗ Lệ Chi, được chạm khắc rất tinh xảo với hình con sư tử đang ôm quả địa cầu, hai bên là hai con voi chầu. Mỗi khi nằm trên chiếc sập này để nghỉ ngơi hay ngủ, khi dậy cảm thấy rất thoải mái".
Hoài An (tổng hợp)