Tin mới

Scotland lựa chọn "ở lại", Thủ tướng Anh và châu Âu thở phào nhẹ nhõm

Thứ sáu, 19/09/2014, 15:18 (GMT+7)

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý lịch sử cho thấy người dân Scotland lựa chọn ở lại với Anh đã khiến Thủ tướng Anh David Cameron cùng nhiều quốc gia châu Âu có thể thở phào nhẹ nhõm.

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý lịch sử cho thấy người dân Scotland lựa chọn ở lại với Anh đã khiến Thủ tướng Anh David Cameron cùng nhiều quốc gia châu Âu có thể thở phào nhẹ nhõm.

Tại thời điểm 30/32 khu vực công bố kết quả kiểm phiếu, phía nói “Không” với độc lập đã giành được 1.877.252 phiếu bầu (54%) so với 1.512.688 phiếu (46%) của phía còn lại, trong khi để giành chiến thắng chỉ cần 1.852.828 phiếu.

Lực lượng ủng hộ thống nhất thậm chí đã ăn mừng ngay từ khi cả 4 khu vực kiểm phiếu đầu tiên đều cho thấy họ thắng thế.

Thủ hiến Scotland Alex Salmond, lãnh đạo Đảng Dân tộc Scotland (SNP) theo đuổi độc lập, đã thừa nhận thất bại: “Tôi chấp nhận phán quyết của người dân và tôi kêu gọi tất cả người dân Scotland chấp nhận phán quyết dân chủ này”.

Người dân Scotland đã lựa chọn tiếp tục kéo dài "mối lương duyên" với Anh

Phó Thủ hiến thứ nhất của Scotland Nicola Sturgeon cũng thừa nhận rằng chiến dịch do đảng SNP của bà phát động nhằm vận động độc lập cho Scotland sẽ thất bại. "Có vẻ như chúng tôi chưa thể nói Có như mong muốn," bà Nicola Sutrgeon nói.

Người vui mừng nhất trước kết quả bầu cử này có lẽ là Thủ tướng Anh David Cameron bởi nếu như Scotland không chọn ở lại với Vương quốc Anh, ông sẽ trở thành "tội đồ". Ngày 15/10/2012, ông Cameron đã cùng Thủ hiến vùng Scotland Alex Salmond đặt bút ký vào Thỏa thuận Edinburgh cho phép Nghị viện Scotland tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về độc lập cho vùng này. Không có cuộc chia ly giữa Scotland với Vương quốc Anh, ông Cameron cũng thoát khỏi nguy cơ phải từ chức.

Thông qua Twitter, Thủ tướng Cameron lên tiếng chúc mừng các nhà hoạt động trong chiến dịch nói “Không” với độc lập ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu. Ông cũng bày tỏ vui mừng vì Vương quốc Liên hiệp Anh được giữ nguyên vẹn, đồng thời kêu gọi tăng cường hơn nữa tinh thần đoàn kết.

Trước đó, các nhà phân tích cho rằng, nếu cử tri Scotland chọn độc lập, hầu như chắc chắn Thủ tướng David Cameron sẽ từ chức và sức mạnh quốc phòng của Anh sẽ suy giảm nghiêm trọng. Thêm vào đó, việc (nếu) Scotland độc lập đồng nghĩa với việc Vương quốc Anh sẽ mất 1/3 diện tích đất, 8% dân số, 10% Doanh thu thuế và những thiệt hại không thể đo đếm về văn hóa và chính trị.

Thủ tướng Anh David Cameron và nhiều quốc gia châu Âu khác có thể thở phào nhẹ nhõm trước kết quả này

Trong khi đó, không ít quốc gia châu Âu có lẽ cũng thở phào bởi trước đó nhiều lãnh đạo châu Âu lo ngại rằng việc Scotland độc lập sẽ tạo ra "cơn lốc ly khai" cho rất nhiều vùng đất, từ Catalonia ở Tây Ban Nha đến Quebec ở Canada, Corsica ở Pháp, Kurdistan ở Iraq, khu vực nói tiếng Hà Lan Flemish của Bỉ... Theo nhật báo Le Figaro của Pháp, trong thời gian này, nhiều phong trào khẳng định bản sắc địa phương, thậm chí đòi ly khai giống như tại Scotland, ngày càng mở rộng ảnh hưởng tại Bỉ, Tây Ban Nha và khu vực miền Bắc Italia.

Hôm nay (19/9), Thủ tướng Cameron cho biết Đảng Dân tộc Scotland (SNP) sẽ cùng đàm phán về việc chuyển giao thêm quyền lực cho Scotland sau khi cử tri khu vực này phản đối việc tách khỏi Vương quốc Anh.

Bình luận trên tài khoản Twitter, ông Cameron viết: "Tôi vừa nói chuyện với Thủ hiến Scotland Alex Salmond và rất vui khi SNP sẽ cùng đàm phán về việc trao thêm quyền lực cho Scotland".

 

Yên Yên (Tổng hợp)

Theo Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news