Bão đổ bộ bang Tây Bengal. Ảnh: Twitter
Các nhà chức trách đang vật lộn tại những khu vực trũng trên đường đi của siêu bão Amphan. Đây là "siêu bão" thứ hai hình thành ở đông bắc Ấn Độ Dương kể từ khi được hồ sơ về bão được ghi lại. Tuy nhiên, nỗ lực của họ đang bị ngăn cản bởi người dân cần tuân thủ những biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt để ngăn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Hiện cả 2 quốc gia đều có số lượng người nhiễm tăng vọt.
"Có ít nhất 50 người đã tới trú ẩn tại ngôi nhà xây bằng bê tông của tôi. Họ tới từ tối hôm qua, chúng tôi đã đưa cho họ đồ ăn", Abdur Rahim, một ngư dân nuôi tôm Bangladesh ở bìa rừng ngập mặn Sundarbans nói với phóng viên. "Đã có sự hoảng loạn, phụ nữ đang lo lắng... vài tháng trước cơn bão Bulbul đã phá hủy làng chúng tôi, tàn phá ít nhất 100 ngôi nhà. Chúng tôi hy vọng thánh Allah sẽ cứu rỗi mình lần này".
Lực lượng cứu hỏa đang dọn đường tại bang Odisha sau khi cơn bão Amphan quét qua. Ảnh: Twitter
Ngoài biển, cơn bão lớn có thể nhìn được từ bên ngoài không gian ở cách bờ biển 125km với sức gió lên tới 200km/h, tương đương với một cơn bão cấp 3, Cục khí tượng Ấn Độ cho biết. Theo dự đoán, cơn bão sẽ suy giảm nhưng vẫn tạo ra sức tàn phá dữ dội khi đi vào bờ biển bang Tây Bengal và nước láng giềng Bangladesh vào ngày hôm nay với sức gió lên đến 185km/h.
Các nhà dự báo Bangladesh cho biết bão sẽ đổ bộ vào khoảng 6h tối (giờ địa phương) với con sóng có thể dâng cao đến 5m. Cơn bão có thể gây thiện hại trên diện rộng, người đứng đầu văn phòng thời tiết Ấn Độ Mrutyunjay Mohapatra nói. Cùng với "lượng mưa rất lớn", siêu bão Amphan được dự đoán là sẽ đẩy mực nước biển lên cao vài mét. Nước dâng do bão có thể tạo thành bức tường nước đổ xô lên đất liền vài km và gây thiệt hại về người.
Sanjib Banerjee đến từ văn phòng thời tiết bang Tây Bengal cho biết nhiều nơi ở Kolkata có thể gặp "thiệt hại nghiêm trọng". Sáng sớm ngày hôm nay, bầu trời xám xịt, bờ biển có mưa và biển động. "Chúng tôi đã huy động hơn 20.000 cảnh sát, nhân viên cấp cứu và tình nguyện viên, thuyền, xe để sơ tán khoảng 300.000 người khỏi những ngôi làng ven biển", thủ hiến Mamata Banerjee nói. "Đó là một nhiệm vụ rất khó khăn khi bang này đang chống lại đại dịch Covid-19".
Ngư dân đưa thuyền vào bờ sau khi nghe cảnh báo về bão Amphan. Ảnh: Shutterstock
Các nạn nhân thường xuyên của bão
Bờ biển trũng thấp của Bangladesh, nơi có khoảng 30 triệu dân và phía đông Ấn Độ thường xuyên bị bão tấn công. Hàng trăm nghìn người đã chết vì bão trong những thập kỷ gần đây.
Bang Odisha miền đông Ấn Độ đã gặp một siêu bão khiến gần 10.000 người chết vào năm 1999. 8 năm sau đó, một cơn bão, vòi rồng và lũ lụt đã khiến 139.000 người thiệt mạng ở Bangladesh. Vào năm 1970, bão Bhola đã khiến nửa triệu người thiệt mạng.
Trong khi tần suất và cường độ của các cơn bão đã tăng lên, nguyên nhân được cho là do biến đổi khí hậu, số người tử vong đã giảm đi nhờ hoạt động sơ tán nhanh, công nghệ tốt và có nhiều nơi trú ẩn hơn. Tuy nhiên, chính quyền Bangladesh vẫn lo sợ rằng bão Amphan sẽ là cơn bão mạnh nhất kể từ sau cơn bão Sidr tàn phá đất nước năm 2007, khiến khoảng 3.500 người thiệt mạng và gây thiệt hại hàng tỷ đô la. Quốc gia này đang nỗ lực đưa 2,2 triệu người đến nơi an toàn trong khi bang Tây Bengal đã di dời 300.000 người.
Nhóm hỗ trợ CRS cho biết mọi người phải đối mặt với lựa chọn vô cùng khó khăn đó là ở lại để gặp bão hoặc đến khu trú ẩn và có nguy cơ nhiễm Covid-19. Chính quyền cả 2 nước cho biết họ đang tạo thêm các điểm tránh bão để giảm mật độ, đồng thời bắt buộc đeo khẩu trang và cung cấp thêm xà phòng, chất khử trùng. "Chúng tôi cũng đang duy trì các phòng cách ly riêng biệt trong những nơi tạm trú để dành cho bệnh nhân nhiễm virus", Bộ trưởng quản lý thảm họa của Bangladesh Enamur Rahman nói.
Người tị nạn Rohingya
Người tị nạn Rohingya tập trung tại một khu chợ ở trại tị nạn Kutupalon. Ảnh: Getty
Mặc dù nằm ngoài đường đi được dự báo của bão nhưng vẫn có sự lo ngại cho an toàn của gần một triệu người tị nạn đến từ Myanmar ở đông nam Bangladesh. Hầu hết họ đang sống trong những trại tị nạn rộng lớn với những lán trại mỏng manh và tạm bợ.
Các ca Covid-19 đầu tiên tại đây đã được báo cáo hồi tuần trước. Tính đến hôm qua đã có 6 ca nhiễm được xác nhận.
LHQ cho biết những mặt hàng khẩn cấp như thực phẩm, vải bạt và viên lọc nước đã được dự trữ. Trong khi đó, các nhà chức trách cho biết những người tị nạn sẽ được chuyển đến các tòa nhà vững chắc hơn, chẳng hạn như trường học. "Mưa lớn, lũ lụt và sự tàn phá nhà cửa, đất nong nghiệp sẽ làm tăng khả năng lây lan virus, đặc biệt là ở những khu vực đông người như trại tị nạn ở Cox's Bazar. Nó chắc chắn sẽ làm tăng số lượng người tử vong và sinh kế mất đi trong đại dịch này".