Theo số liệu cập nhật mới nhất, số người thiệt mạng đã tăng lên con số 222, cùng với 843 người bị thương và 28 người mất tích.
AFP dẫn lời Sutopo Nugroho, người phát ngôn Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Indonesia, chiều nay cho biết: "222 người đã chết, 843 người bị thương và 28 người đang mất tích. Con số này sẽ còn tăng cao do nhiều nạn nhân không được sơ tán, các trung tâm y tế chưa báo cáo về số người đang điều trị và nhiều khu vực chưa có thống kê đầy đủ".
Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) cho biết, đợt sóng này không phải do một trận động đất, nhưng có thể là kết quả của hoạt động núi lửa tại núi Krakatoa.
Theo thông báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia ngày 23/12, hiện tại chưa có thông tin về người Việt bị ảnh hưởng bởi sóng thần nhưng sẵn sàng hỗ trợ người mắc kẹt.
"Đại sứ quán Việt Nam đề nghị người Việt tại Indonesia không di chuyển tới vùng ảnh hưởng của sóng thần", thông báo của Đại sứ quán đề nghị và cho biết, đối với những trường hợp người Việt Nam đang mắc kẹt tại khu vực này hoặc cần hỗ trợ, liên hệ ngay với Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia qua đường dây nóng: (+62 21) 31907165, (62) 811161025 hoặc số hotline Bảo hộ công dân của Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam +84981848484.
Liên đoàn các Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) nhận định số nạn nhân sẽ tăng cao khi tình hình tại các vùng thảm họa trở nên rõ ràng hơn. "Số người chết có thể tiếp tục thay đổi trong vài ngày, thậm chí nhiều tuần tới", Kathy Mueller, quan chức IFRC, cho biết.
Thiệt hại vật chất: 556 ngôi nhà, 9 khách sạn, 60 quầy hàng thực phẩm và 350 tàu thuyền bị hư hại.
AP dẫn nguồn tin từ cơ quan chức năng Indonesia cho biết, số người thiệt mạng đã tăng lên con số 222, cùng với 843 người bị thương và 28 người mất tích.
Trận sóng thần đêm qua là một trong một loạt các thảm họa tấn công Indonesia vào năm 2018.
Hồi tháng 8, hơn 100 người đã thiệt mạng trong một trận động đất xảy ra ở hòn đảo du lịch Lombok gần Bali.
Đến tháng 9, một trận động đất mạnh 7,5 độ richter tấn công vào khu vực đảo Palu, miền bắc Indonesia và tạo nên thảm họa kép động đất - sóng thần khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và khoảng 5.000 mất tích.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã gửi lời chia buồn của ông tới các nạn nhân chịu ảnh hưởng của thảm họa sóng thần ở Pandeglang, Serang và Nam Lampung.
"Tôi đã ra lệnh cho tất cả các cơ quan chính phủ liên quan thực hiện ngay các bước ứng phó khẩn cấp, tìm kiếm nạn nhân và hỗ trợ y tế cho những người bị thương", ông Widodo viết trên tài khoản Twitter cá nhân.
Đức Hoà (tổng hợp)