Sợ con gái ở thế giới bên kia không người phục vụ, Ngô Vương nghĩ ra một "độc kế", gây ra sự kiện tuẫn táng dân thường đẫm máu trong lịch sử Trung Hoa.
Tuẫn táng là tập tục chôn theo người sống từng xuất hiện ở Trung Hoa thời cổ đại. Đối tượng bị đưa vào danh sách chôn theo này có thể là người mà chủ nhân ngôi mộ yêu quý khi còn sống hoặc một số ít nô bộc có xuất thân thấp kém.
Hủ tục này xuất phát từ quan niệm "trần sao âm vậy", bởi cổ nhân tin rằng sau qua người chết qua đời, linh hồn của họ vẫn tồn tại ở thế giới bên kia.
Vì thế, để hưởng thụ một cuộc sống "chí cao vô thượng" như lúc còn ở dương thế, những người giàu có hoặc mang thân phận tôn quý sẽ chôn theo thê thiếp, người hầu khi qua đời.
Thế nhưng trong lịch sử Trung Hoa, có một lần tuẫn táng đẫm máu được xếp vào "ngoại lệ". Bởi những người bị chết theo không hề mang thân phận đặc biệt, cũng không phải là nô bộc mà đều là thường dân bách tính.
Những con người ấy một giây trước còn đang hùa theo đám đông hóng chuyện thiên hạ, giây kế tiếp liền bị "giết sống", biến thành vật bồi táng cho một cô công chúa.
Tuẫn táng người hầu, phi tập là tập tục từng nhiều lần xuất hiện trong lịch sử Trung Hoa. (Tranh minh họa).
Sự kiện tuẫn táng này xảy ra dưới thời Ngô vương Hạp Lư - người kế thừa đời thứ 24 của nước Ngô, một chư hầu nhà Chu vào thời Xuân Thu.
Tương truyền rằng, năm xưa Hạp Lư có một cô con gái tên là Đẳng Ngọc. Ngô vương hết lòng sủng ái cô công chúa này.
Có một lần, Hạp Lư dùng bữa với phu nhân và con gái. Khi ấy trên bàn ăn của ông có món cá hấp. Để thể hiện tình yêu thương với công chúa của mình, Ngô vương Hạp Lư đã đem nửa con cá mình ăn còn dư ban lại cho Đẳng Ngọc.
Nhưng Đẳng Ngọc không hiểu ý của phụ thân, một mực cho rằng Hạp Lư đem cá ăn dở ban cho mình để vũ nhục. Vì hiểu lầm tai hại ấy, cô công chúa trẻ tuổi tính tình nóng nảy đã tự vẫn.
Tranh chân dung Ngô vương Hạp Lư - "tác giả" của màn tuẫn táng dân thường đẫm máu. (Nguồn: Baidu).
Hạp Lư không nghĩ rằng sự vô ý nhất thời của mình lại lấy đi tính mạng con gái cưng. Ông vô cùng đau lòng, nhưng cũng chỉ có thể dùng hết khả năng của mình để tổ chức cho Đẳng Ngọc một đám tang xa hoa nhất.
Ngô vương Hạp Lư xây dựng cho Đẳng Ngọc một lăng mộ bề thế ở phía Tây quốc đô, lại dùng vàng bạc, bảo ngọc, bạc trắng… chế tác đủ mọi đồ tùy táng quý giá, còn chôn theo nhiều bảo vật hiếm lạ để bồi táng.
Vật bồi táng đều đã có đủ, nhưng nơi an nghỉ của Đẳng Ngọc lại thiếu người tuẫn táng.
Hạp Lư sợ con gái ở thế giới bên kia không người phục vụ, nhưng cũng không biết đi nơi nào tìm người tuẫn táng sao cho vừa ý.
Cuối cùng, Ngô vương nghĩ ra một "độc kế" mà chính kế sách này là khởi nguồn cho sự kiện tuẫn táng dân thường đẫm máu trong lịch sử Trung Hoa.
Mải hò nhau hóng chuyện, thường dân bách tính trở thành người bồi táng
Trong ngày đưa linh cữu của con gái về lăng mộ, Ngô vương Hạp Lư đã phái người đến đường lớn ở quốc đô múa điệu bạch hạc.
Điệu múa ấy vô cùng đẹp mắt, thu hút không ít dân chúng trong thành đi theo đoàn người đưa tang công chúa Đẳng Ngọc.
Người đóng bạch hạc vừa đi vừa múa cho tới khi đoàn xe tang đi vào tới bên trong lăng mộ. Lúc bấy giờ, dân chúng dường như cũng chẳng ai cảnh giác, một mực đi theo để xem.
Nào ngờ vừa tiến bước vào bên trong, số thường dân này đã chạm phải các bẫy ngầm. Mạng sống của họ lập tức bị đoạt mất bởi những mũi tên chẳng biết từ ngóc ngách bay ra.
Cứ như vậy, những bách tính vô tội ấy bị "giết sống" chỉ trong chớp mắt, trở thành người tuẫn táng cho con gái của Ngô vương Hạp Lư.
Việc Hạp Lư giết dân chúng quốc đê để chôn theo con gái đã gặp phải vô số chỉ trích của người dân đương thời cùng hậu thế sau này. Sự kiện này cũng được đánh giá là "lần tuẫn táng tàn nhẫn nhất trong lịch sử Trung Hoa".
Trần Quỳnh
Theo Helino/ Trí thức trẻ